Hiện thực hóa nhiều thương vụ M&A lớn trong ngành công nghiệp

10:48:06 | 29/12/2017


Thời gian qua, ngành công nghiệp đã có những bước chuyển mình khá ấn tượng, với chỉ số sản xuất toàn ngành có mức tăng trung bình trên 7%/năm kể từ năm 2012. Các nhà đầu tư đang tập trung rót vốn vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhiều tiềm năng này, đặc biệt các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp M&A.

Thị trường khá sôi động

Công nghiệp Việt Nam đang trong đà phát triển mạnh mẽ. Nếu có sự đầu tư và hợp tác từ những doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, khả năng quản lý chuyên nghiệp và tiềm năng vốn lớn, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá và phát triển hơn nữa. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành 11 tháng năm 2017 tăng cao, đạt mức 9,3%, cao hơn mức tăng 8,7% của 10 tháng và cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016.



Các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn rót vốn vào những doanh nghiệp đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn tại Việt Nam. Trong đó, nguồn vốn từ các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan vào các lĩnh vực khác nhau như chế biến thực phẩm, năng lượng, hàng tiêu dùng nhanh, sản xuất vật liệu xây dựng… khá sôi động. Điển hình phải kể tới các thương vụ LafargeHolcim (Thụy Sỹ) cho Tập đoàn Siam City Cement (Thái Lan) thâu tóm Holcim Việt Nam, CJ Cheiljedang Corporation (CJCJ) - một công ty con chuyên về thực phẩm và công nghệ y sinh của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) mua thực phẩm Cầu Tre; Kido Group mua Tường An; Tập đoàn Daesang và Duc Viet Foods...

Ngoài ra, nguồn vốn trong nước cũng đang dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường M&A với việc số lượng thương vụ M&A của các doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng. Ví dụ Kido thâu tóm 65% dầu thực vật Tường An, CJ Group thâu tóm thực phẩm Cầu Tre, Minh Đạt, Công ty TNHH SCG Xi măng – Vật liệu xây mua lại Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM). Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, trong đó M&A đã trở thành một công cụ quan trọng để thực hiện chiến lược đó.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương mới đây đã ra quyết định thoái vốn hàng loạt doanh nghiệp trong năm 2018 như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (thoái 24,86%); Tổng công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt nam (thoái 46,75%); Tổng công ty máy và TB công nghiệp – Công ty CP (thoái 63,54%); Tập đoàn Dệt may Việt Nam (thoái 53,48%); Tổng công ty Thép Việt Nam (thoái 57,92%); Công ty CP Giao nhận kho vận ngoại thương (thoái 63,46%); Công ty CP Xây dựng và NK Tổng hợp (thoái 60,17%); Công ty CP Nhựa Việt Nam (thoái 64,65%); Công ty CP Nông thủy sản Việt Nam (thoái 23,00%); Công ty CP Đầu tư xây lắp và VLXD (thoái 18,43%)… Sự thoái vốn hàng loạt này sẽ tạo điều kiện phát triển M&A trong lĩnh vực công nghiệp.

Động lực thu hút vốn

Dựa theo các phân ngành công nghiệp, dễ dàng nhận thấy lĩnh vực chế biến, chế tạo là “mảnh đất màu mỡ” để hiện thực hóa nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhất. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực tăng trưởng chính trong sản xuất công nghiệp (tăng cao hơn 3,4% so với mức tăng của cùng kỳ năm 2016 so với 2015 và cao hơn 0,8 % so với mức tăng của 10 tháng năm 2017), phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng.

Tỷ lệ tiêu thụ nội địa của Việt Nam lớn vì 93 triệu dân đang thay đổi phương thức tiêu dùng trong ngành chế biến thực phẩm. Mức tiêu thụ trong nước đạt 30 tỉ USD, tăng trưởng đều đặn mỗi năm 18,6%/năm. Trong khi đó, nguyên liệu dồi dào khi đứng đầu thế giới với nhiều mặt hàng xuất khẩu như gạo, café, chè, thủy sản, rau củ quả.... Năm 2017 dự kiến công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam sẽ xuất khẩu 33 tỉ USD.

Lĩnh vực năng lượng cũng là ngành có tiềm năng lớn khi Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch điện, trong đó sẽ xây dựng nhiều công trình điện quy mô lớn. Các thương vụ tại lĩnh vực này phải kể đến như: Orix thâu tóm Bitexco Group, JX Nippon Oil& Gas Exploration sở hữu một phần Petrolimex; Giai đoạn đến năm 2025, phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo như gió và mặt trời. Sau năm 2025, phát triển các dạng năng lượng tái tạo mới như địa nhiệt, sóng biển... Những ngành năng lượng cần kỹ thuật công nghệ rất cao này và cần sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 sắp tới.

Thứ ba, lĩnh vực xây dựng đang có tốc độ tăng trưởng cao, nhu cầu thị trường mỗi năm tăng từ 7 - 10%. Các thương vụ M&A trong xây dựng sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất trong. Sau sáp nhập sẽ giải quyết được những vấn đề cốt lõi được người tiêu dùng quan tâm, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng…

Ngoài ra, năng lực sản xuất tăng với vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý sản xuất cũng đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài vì họ có thế mạnh về vốn, máy móc công nghệ, quản lý. Các quỹ đầu tư đang tăng trưởng cả về lượng và quy mô, giúp thúc đẩy số lượng và giá trị các thương vụ M&A trong nội bộ các doanh nghiệp. Với lợi thế am hiểu thị trường nội địa, công tác xúc tiến đầu tư thông qua hình thức M&A trong thời gian tới sẽ cần chú trọng hơn nữa tới các doanh nghiệp có tiềm năng trong nước.

Hương Ly