Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2017 công bố Sách trắng

11:01:11 | 29/12/2017

Mới đây, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (DNT) và Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong MBI tổ chức họp báo công bố Sách Trắng Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2017 (Sách trắng VPSF 2017).

Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) là sáng kiến của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên năm 2016, với sự hỗ trợ của Sáng kiến Hỗ trợ khu vực tư nhân Vùng Mekong (MBI); đã mở ra một cơ chế đối thoại mới giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Tại Phiên họp toàn thể VPSF lần thứ 2 (được tổ chức tháng 7/2017); Ban tổ chức Diễn đàn đã tập trung tổng hợp kết quả đối thoại, phân tích kết quả Bộ chỉ số khảo sát niềm tin Doanh nhân (CEO.CI), cập nhật những thay đổi theo cam kết của các Bộ, ngành, địa phương từ các phiên đối thoại để chuẩn bị Báo cáo kết quả Diễn đàn VPSF 2017 với tên gọi Sách Trắng Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2017.

Nhiều chuyển biến tích cực được ghi nhận

Sách trắng VPSF 2017 bao gồm nhiều nội dung, trong đó quan trọng nhất là những phân tích về các cơ chế chính sách đang hạn chế hoặc cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và đề xuất những giải pháp tháo gỡ để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, Sách trắng VPSF 2017 cũng tập trung những phân tích, kiến nghị của doanh nghiệp đối với nhóm ngành, chủ đề, gồm: Kinh tế số, Nông nghiệp, Du lịch, Khởi nghiệp sáng tạo, Logistics, Năng lượng tái tạo – Tiết kiệm năng lượng và Thuận lợi hóa thương mại. Sách trắng cũng đồng thời đề xuất những giải pháp tháo gỡ.



Theo ông Trần Anh Vương- Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức VPSF, sau những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Diễn đàn VPSF 2017 , nhiều Bộ, ngành, đại phương đã triển khai các hoạt động để cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân. Một trong những kết quả quan trọng của VPSF 2017 được ông Đào Huy Giám – Tổng Thư ký VPSF 2017 dẫn ra là năm 2017 Chính phủ đã có nhiều biện pháp và thành công trong cổ phần hoá DNNN, đáp ứng đề xuất về việc dành ưu tiên quyền tiếp cận cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân, đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, thay đổi cách thức khai thác và cơ cấu nguồn vốn đầu tư công. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngay sau Diễn đàn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã khẩn trương dự thảo sửa đổi và lấy ý kiến về sửa đổi hoặc ban hành mới Nghị định thay thế NĐ 210 về khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp theo hướng tích cực và thuận lợi hơn. Bộ Nông nghiệp đã lập cơ quan xúc tiến thương mại chuyên trách và Quốc hội đã sửa Luật về cơ quan đại diện, thông thoáng hơn với đại diện các bộ kinh tế ở nước ngoài.

Về lĩnh vực Du lịch, Bộ Công an đã mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử lên 46 nước/lãnh thổ thay cho 40 nước trước đây với mức hợp lý hơn.

Về kinh tế số nhiều nội dung được cả nền kinh tế đề cập đã và đang được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực như ứng dụng kinh tế số vào mọi lĩnh vực kinh tế như thu thuế điện tử, thanh toán điện tử, thực hiện thủ tục hành chính điện tử,bthoong quan điện tử, giảm giao dịch tiền mặt, ứng dụng số vào quản trị, đào tạo....Đây thực sự là những động thái tích cực, tạo nên động lực mạnh mẽ về niềm tin, nỗ lực hợp tác và cùng chung tay thúc đẩy của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài 3 chuyên đề ngành được lựa chọn đối thoại tại diễn đàn, sách trắng Diễn đàn VPSF 2017 còn tổng hợp và phân tích kết quả đối thoại các vòng và hiến kế giải pháp với 6 chuyên đề khác nhau như Logistics, đào tạo nguồn nhân lực, năng lượng sạch và tiết kiệm điện năng, thuận lợi hoá thương mại và toàn cầu hoá...Sách trắng là tài liệu chính thức của Diễn đàn VPSF và chuyển tải những thông điệp tổng hợp tới doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ cùng các cơ quan công quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý và phục vụ doanh nghiệp, các đối tác quốc tế quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Niềm tin với môi trường kinh doanh chưa cao

Hướng tới việc xây dựng một Bộ công cụ chuẩn, đánh giá chính xác “sức khỏe doanh nghiệp, qua đó phản ánh, đánh giá “sức khỏe” của ngành/lĩnh vực kinh tế trong nước, làm cơ sở cho các quyết sách đầu tư kinh doanh và cải thiện chính sách phát triển kinh tế, tại VPSF 2017 đã tiến hành một cuộc khảo sát với các CEO thuộc nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam. Cấu trúc Bộ chỉ số gồm nhiều câu hỏi tập trung vào 2 chỉ số chính: Chỉ số niềm tin doanh nhân vào Hiệu quả kinh doanh và Chỉ số niềm tin doanh nhân vào Môi trường kinh doanh.

Kết quả cho thấy: niềm tin của các nhà lãnh đạo ở khối doanh nghiệp tư nhân ở mức trung bình với 58 điểm. Niềm tin của các vào kết quả kinh doanh đạt tỉ lệ cao hơn với 64 điểm và niềm tin vào vào môi trường kinh doanh chỉ đạt 46 điểm.

Phân tích chỉ số niềm tin doanh nhân trong 3 ngành Nông nghiệp, Du lịch, Kinh tế số, cho thấy: chỉ số niềm tin doanh nhân đạt cao nhất ở ngành du lịch trong cả yếu tố Môi trường kinh doanh (57 điểm) và Hiệu quả kinh doanh (69 điểm). Trong số các yếu tố đánh giá về môi trường kinh doanh theo ngành chỉ có duy nhất ngành Du lịch nhân được 55% đánh giá thuận lợi hơn so với năm trước, các ngành khác nhận được niềm tin thấp, gồm: Nông nghiệp 38%, Kinh tế số: 41%.

Mong muốn một Chính phủ hành động

Một nội dung khá quan trọng được công bố trong Sách trắng VPSF 2017 là kết quả thăm dò ý kiến doanh nghiệp về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng, đóng góp GDP cam kết với Chính phủ. Khi được hỏi về thông điệp của chính phủ: Liêm chính – Kiến tạo – Hành động, có đến 65% CEO tham gia khảo sát mong muốn có một Chính phủ Hành động, 24% chọn Liêm chính và 11% chọn Kiến tạo.

Dự kiến về kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khá khả quan khi có 56% tin tưởng rằng kết quả năm 2016 tăng lên so với năm trước. Có 52% CEO tin tưởng Chính phủ đạt mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 và 48% cho rằng không đạt. Sự tin tưởng của khối doanh nghiệp tư nhân đối với các cam kết của Chính phủ cũng thể hiện rõ khi có 48% nhận định rằng: trên 50% các vấn đề đối thoại và đề xuất tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2017 sẽ được Chính phủ xem xét và giải quyết trong thời gian tới.

Thanh Yên