Ngành nông nghiệp Quảng Trị: Nâng cao giá trị và phát triển bền vững
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, thâm canh, chuyên canh để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.

Tuy nhiên, thực tế trong quá trình phát triển cho thấy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ; chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hạn chế, thiếu sự liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn một số mặt hạn chế; chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn còn chậm. Với những tồn tại này, đòi hỏi phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Chỉ thị số 26, ngày 6/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... nhằm duy trì và nâng cao tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Chuyển dần sản xuất nông nghiệp phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu; tiếp tục thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, đẩy nhanh quá trình tập trung tích tụ ruộng đất gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế như lúa chất lượng cao, cao su, tiêu, gỗ rừng trồng; phát triển một số cây ăn quả có hiệu quả cao. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp với nông dân.
Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với các địa phương tăng cường đào tạo nghề cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm để tạo sản phẩm hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững bằng việc tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, tốc độ tăng trưởng nông, lâm, ngư nghiệp đạt 3,3%, vượt kế hoạch đề ra; sản lượng lương thực hơn 257 nghìn tấn, đạt 105% kế hoạch; diện tích trồng mới và tái canh cây công nghiệp dài ngày hơn 913 ha, đạt 166% kế hoạch năm. Tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 31,7 nghìn tấn, tăng gần 8 nghìn tấn so với năm 2016. Trồng rừng tập trung đạt hơn 7.500 ha, tỷ lệ độ che phủ đạt 50%, công tác phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý bảo vệ rừng đạt kết quả tích cực. Đồng thời làm cầu nối cho doanh nghiệp với hợp tác xã (HTX)/tổ hợp tác liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao như gạo hữu cơ, cà phê sạch Khe Sanh, hồ tiêu sạch, rau sạch... Năm 2017 cũng đánh dấu một số tín hiệu tích cực ban đầu từ việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất với các mô hình trồng rau thủy canh của HTX Nguyên Khang, Hải Lăng, mô hình trồng rau, dưa lưới, dưa hấu đỏ bằng công nghệ nhà màng, thủy canh tại các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, mô hình sản xuất măng tây trên cát của Công ty Khoáng sản Quảng Trị…
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Quảng Trị tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông theo hướng nâng cao giá trị, tạo việc làm và phát triển bền vững tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra chủ động khai thác tốt tiềm năng đất đai, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề và xây dựng nông thôn mới. Kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm...
Nguyễn Bách