Việt Nam đổi mới cùng hành trình thu hút FDI

10:38:36 | 8/1/2018


Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới vào giữa tháng 12/1986. Một năm sau, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời. Hành trình 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam cùng quá trình đổi mới của nền kinh tế đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Những dấu mốc ấn tượng


Tháng 12/1987, Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, thu hút được 213 dự án, tổng vốn đăng ký 1,793 tỷ USD. Đến tháng 6/1990, Việt Nam sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài lần đầu tiên; tháng 12/1992, Việt Nam sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài lần thứ hai. Thời điểm này, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã nâng lên 459 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 5,28 tỷ USD. Trong giai đoạn này cũng là giai đoạn vốn FDI tăng tốc, làn sóng đầu tư thứ nhất bắt đầu.



Năm 1996, Việt Nam tiếp tục sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài 1996. Do tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực, nhịp tăng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện năm 1997 tăng 25%, nhưng năm 1998 đã giảm 40%, năm 1999 giảm tiếp 22%.

Năm 2000, Việt Nam sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài lần thứ 4. Thu hút FDI năm 2000 tiếp tục chậm lại, chỉ đạt 2,838 tỷ USD.

Đến năm 2005, Việt Nam ban hành Luật Đầu tư chung, thay thế Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Đầu tư trong nước. Vốn FDI tăng mạnh trở lại, đạt 6,8 tỷ USD, làn sóng đầu tư thứ hai bắt đầu.

Năm 2014, để phù hợp với xu thế hội nhập sâu rộng, Việt Nam sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư 2014, tạo một bước đột phá về tư duy, bởi từ nay, doanh nghiệp và nhà đầu tư được làm những gì mà pháp luật không cấm. Làn sóng đầu tư thứ ba bắt đầu. Theo thống kê, năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vượt 35 tỷ USD .

Thu hút những tên tuổi hàng đầu thế giới

Những ưu thế khiến việc thu hút FDI vào Việt Nam tăng hàng năm chính là tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, chi phí lao động thấp, tốc độ mở cửa thương mại cao và lợi thế về vị trí địa lý…

Những nhà đầu tư nước ngoài lớn, các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như Honda, Intel, Samsung, Yamaha, Panasonic, Microsoft, LG... đã tìm đến Việt Nam. Để rồi những năm tiếp theo, các tập đoàn này liên tục rót vốn vào những dự án tỷ “đô” với mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành những cứ điểm sản xuất mới, cho thấy Việt Nam đã và đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2006, Tập đoàn Intel (Mỹ) đã đầu tư dự án trị giá 1 tỷ USD tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện có tính chất mở đường, tạo nguồn cảm hứng góp phần giúp Việt Nam thu hút các dự án lớn, các dự án công nghệ cao khác. Sau Intel, năm 2008, Tập đoàn Samsung bắt đầu đầu tư vào Việt Nam với dự án nhà máy lắp ráp điện thoại tại Bắc Ninh có tổng vốn 700 triệu USD. Đến nay Samsung đã đầu tư các dự án sản xuất tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 17 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn này. Một tên tuổi lớn đến từ Hàn Quốc, với 3 dự án đang triển khai tại Việt Nam là Tập đoàn LG đã đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD.

Trong 20 năm có mặt ở Việt Nam, tổng số vốn đầu tư của Honda vào Việt Nam đạt khoảng 530 triệu USD, tính đến hết năm 2015 Honda đóng góp hơn 40.000 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách và tạo việc làm cho khoảng 10.000 nhân viên. Năm 2008, thời điểm FDI vào Việt Nam cao nhất từ trước đến nay với 71 tỷ USD, …

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự có mặt và bước chân của những “người khổng lồ” đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp phụ trợ, tạo công ăn việc làm, góp phần tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, thay đổi vị thế của Việt Nam ở thị trường xuất khẩu.

GS. TSKH Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng cơ chế thu hút FDI của Việt Nam) đánh giá, FDI đã tạo ra khoảng 22 – 25% tổng vốn đầu tư xã hội tính từ năm 1991 đến 2017, tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 161 tỉ USD. FDI chiếm khoảng 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Những công trình lớn nhất của Việt Nam từ điện nước, sắt thép, hóa dầu… đều của FDI hết.

Bên cạnh đó, FDI tạo ra các ngành nghề mới trong xã hội, nâng cao tay nghề, năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam. Rõ ràng từ lĩnh vực dầu khí cho đến điện tử thì đến giờ FDI vẫn chiếm tỉ trọng lớn, đặc biệt những ngành nghề có công nghệ hiện đại.

Đặc biệt, FDI tạo ra sự dịch chuyển các ngành nghề trong xã hội; tạo ra phương thức sản xuất, phương thức phân phối, phương thức tiêu dùng hiện đại trong xã hội…

Tuy nhiên, GS Nguyễn Mại cũng cho rằng, hiện nay FDI chưa thật sự trở thành nguồn lực bền vững do công nghiệp hỗ trợ trong nước còn kém phát triển. Để khắc phục điều này,cần có một đánh giá tổng quát xem doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia những khâu nào trong chuỗi giá trị toàn cầu để từ đó có định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Quỳnh Chi