Từ ngày 12 đến 15/11/2009, người dân Gia Lai nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung sẽ được sống trong không khí tưng bừng của Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 được tổ chức tại Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Họ sẽ cùng tấu lên những âm vang cồng chiêng đã kết tinh từ hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ tạo dựng và giữ gìn. Vẻ đẹp từ những nếp nhà sàn đơn sơ, từ những buôn làng yên bình giữa Tây Nguyên huyền thoại, từ những tâm hồn khoáng đạt miền sơn cước... tất cả sẽ hội tụ và thăng hoa trong ngày hội tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.
Từ không gian văn hóa độc đáo…
Sau Nhã nhạc cung đình Huế, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản thứ hai của Việt Nam được công nhận Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Là bản sắc văn hóa ngàn đời của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, một bộ phận của di sản và tinh hoa văn hóa Việt Nam, danh tiếng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành tài sản của nhân loại.
Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời. Từ xa xưa, cộng đồng cư dân Tây Nguyên đã biết thổi hồn và tiếp thêm sức sống cho cồng chiêng Tây Nguyên để những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người Tây Nguyên, sống mãi cùng với đất trời và người dân đại ngàn. Cồng chiêng Tây Nguyên là bằng chứng độc đáo, là nét đặc trưng của truyền thống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Trong tay các nghệ sĩ dân gian tài hoa ở cộng đồng, mỗi chiếc chiêng giữ nhiệm vụ một nốt nhạc trong một dàn nhạc, để biểu diễn các bản nhạc chiêng khác nhau. Ðồng thời, tùy theo từng dân tộc, họ đã sắp xếp, định biên thành các dàn nhạc riêng biệt. Khác với cồng chiêng ở các quốc gia trên thế giới thiên về “tĩnh” hơn “động”, có “xác” mà chưa có “hồn”, lối biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên rất "động". Kỹ thuật kích âm, chỉnh âm cồng chiêng của người biểu diễn "biến hóa khôn lường" làm cho giai điệu lúc trầm, bổng, lúc mơ màng, du dương, lúc bi tráng, hào hùng, lúc da diết, thắc thỏm... rất có hồn tùy theo hoàn cảnh, môi trường sinh hoạt và tâm trạng. Chính sự rất khác biệt đó đã làm "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" ở Việt Nam là độc đáo và ấn tượng nhất.
Đến Festival Cồng chiêng – hội tụ hồn dân tộc
Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai với chủ đề “Cồng chiêng Tây Nguyên và thông điệp đoàn kết các dân tộc” được tổ chức tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai là một sự kiện mang tầm quốc tế, có ý nghĩa chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội quan trọng không chỉ đối với Gia Lai mà của cả nước. Festival lần này là dịp tôn vinh giá trị đặc sắc của không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, một loại hình văn hoá nghệ thuật độc đáo của Việt
Lễ hội lần này sẽ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống với âm điệu chủ đạo là cồng chiêng Tây Nguyên, kết hợp với ca múa nhạc và những trang sử thi chứa đầy huyền thoại. Theo thông tin từ Ban tổ chức, lần đầu tổ chức tại Việt Nam, Festival sẽ hội tụ nhiều loại hình biểu diễn sân khấu cũng như có số lượng diễn viên đông đảo tham gia. Dự kiến, lễ khai mạc được tổ chức tại Quảng trường 17/3 (Tp.Pleiku) sẽ là một sự kiện hoành tráng với sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên quần chúng là đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên như Bahnar, Jrai, Êđê, Churu, Mnông, Xêđăng, Rơmăm… Trên 1.000 chiếc chiêng các loại, xếp thành vòng xếp "chiêng hoa" 9 lớp sẽ cùng tấu lên những âm hưởng hào hùng của trường ca Tây Nguyên bất hủ.
Cùng với những hoạt động trong khuôn khổ Festival tại phố núi Pleiku, đến với Festival Cồng chiêng Quốc tế lần này, du khách có thể tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Gia Lai thông qua các hoạt động thấm đậm nét văn hoá đặc trưng của vùng đất cao nguyên. Những giá trị văn hóa truyền thống này sẽ được tái hiện qua những lễ hội độc đáo như: Lễ phục dựng truyền thuyết gươm thần và Lễ cầu mưa; Lễ hội đón năm mới (có tổ chức đâm trâu), Lễ Pơthi (bỏ mả); Trình diễn cồng chiêng của các đoàn về dự Festival; Thi tạc tượng; Thi chỉnh chiêng; Triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" và "Tây Nguyên tự tình"… Tỉnh Gia Lai cũng đã mời nhiều nghệ nhân điêu luyện từ các đội cồng chiêng ở các tỉnh Tây Nguyên và những tỉnh, thành khác có các dân tộc thiểu số như: Êđê, Ba Na, K’ho, Mường, Thái, Tà Ôi... và những đội cồng chiêng ở các nước Lào, Thái Lan, Malaysia cùng tham dự. Những đội cồng chiêng trong khu vực Đông Nam Á giàu bản sắc văn hóa này sẽ đem tới những tác phẩm cồng chiêng mang đậm dấu ấn của dân tộc mình, tạo nên nhiều thanh sắc mới cho Lễ hội.
Trong thời gian diễn ra Lễ hội, các màn trình diễn cồng chiêng sẽ khuấy động không gian núi rừng tại các điểm du lịch về nguồn, Công viên văn hoá Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng, Quảng trường 17/3… Trong khuôn khổ Festival cũng sẽ diễn ra Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao với sự góp mặt của 150 doanh nghiệp trong nước với 350 gian hàng, được bố trí tại Công viên Lý Tự Trọng trong phạm vi 1,5ha. Cũng tại địa điểm này sẽ diễn ra triển lãm Hội Làng nghề tiểu - thủ công nghiệp với tổng diện tích 2.000m², gồm 20 gian hàng trưng bày và bán những sản phẩm đặc trưng của núi rừng như: nhạc cụ truyền thống, sản phẩm mây tre lá, gốm mỹ nghệ, thổ cẩm…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ tỉnh Gia Lai tổ chức thành công Festival như chủ trì một số nội dung của Festival, giúp đỡ Gia Lai trong việc xây dựng kế hoạch đưa Festival trở thành thương hiệu của tỉnh.
Theo ước tính của Ban tổ chức, sẽ có khoảng 3.000 đại biểu TW và địa phương, các nghệ nhân cồng chiêng cùng hơn 30.000 du khách tham gia dự Festival lần này. Hiện điều kiện cơ sở vật chất phục vụ các đoàn và du khách cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự đã được tỉnh Gia Lai chuẩn bị chu đáo, thể hiện quyết tâm tổ chức Festival Cồng chiêng Quốc tế lần đầu tiên hoành tráng, hiệu quả, gây ấn tượng sâu đậm, để từng bước đưa hoạt động này trở thành sự kiện văn hóa thường kỳ của tỉnh (tổ chức 2 – 3 năm một lần).
Cồng chiêng là hơi thở, là tiếng nói văn hóa của đồng bào, không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là một sáng tạo mang tầm kiệt tác của nhân loại. Với ý nghĩa đó, Festival Cồng chiêng Quốc tế là cơ hội để phát huy, quảng bá hình ảnh, giá trị văn hoá, âm nhạc của cồng chiêng cùng những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và Việt Nam với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ngành du lịch. Đồng thời Festival cũng là một hoạt động hết sức ý nghĩa nằm trong mục đích lưu truyền, phát huy và phả vào di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sức lan tỏa, sức sống mãnh liệt hơn.
Thanh Tân
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI