Trong những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang luôn được duy trì và phát triển ổn định, với tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao.
Nếu năm 2006, tốc độ phát triển giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15,83% thì đến năm 2009, con số này tăng lên 11,43% và năm 2010 dự kiến sẽ là 11%; bình quân 5 năm là 12,65%/năm. Nhóm ngành có lợi thế về tài nguyên và nguồn nguyên liệu như sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, chế biến hàng nông thuỷ sản... được chú trọng phát triển nên hàng hóa làm ra có sức cạnh tranh thị trường nội địa và thế giới. Ngoài ra các ngành công nghiệp phục vụ sản xuất và du lịch như cơ khí sửa chữa, đóng sửa chữa tàu thuyền... được đẩy mạnh đầu tư đã đem lại hiệu quả cao, đóng góp tích cực vào tổng mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Về nội thương, thị trường trong tỉnh phát triển cả ba khu vực thành thị, nông thôn và hải đảo; hàng hóa dồi dào, đa dạng, phong phú đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh. Các năm qua, thị trường trong tỉnh chưa phát hiện hành vi đầu cơ tích trữ lớn xảy ra. Giá cả hàng hóa trên thị trường các năm qua tương đối ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng liên tục theo từng năm; tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ trung bình 21,60%/năm cao hơn so với kế hoạch năm 2006 – 2010 đề ra là từ 13% – 14%/năm. Thị trường trong tỉnh có sự liên kết chặt chẽ với thị trường khu vực và cả nước. Các kênh lưu thông hàng hóa được ổn định theo hướng gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh các kênh lưu thông thu mua, bán buôn và bán lẻ, các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đã hình thành kênh phân phối khép kín theo mặt hàng, nhóm hàng. Hàng nông, thủy sản được tiêu thụ dưới nhiều hình thức có lợi cho người sản xuất; hợp đồng tiêu thụ nông, thủy sản giữa người sản xuất và doanh nghiệp đã chuyển biến tích cực. Các phương thức bán hàng ngày càng văn minh, hiện đại, bên cạnh các hình thức bán hàng tự chọn còn bán hàng qua mạng internet. Riêng công tác đầu tư phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Các dịch vụ thương mại ngày càng phát triển mạnh, không chỉ ở thành thị mà còn phát triển đến vùng nông thôn, hải đảo.
Cùng với sự sôi động của hoạt động giao thương hàng hóa trên địa bàn, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2006 – 2009 liên tục tăng, năm 2006 đạt 230,29 triệu USD, đến năm 2009 tăng lên 450 triệu USD và kế hoạch năm 2010 là 520 triệu USD. Xuất khẩu gạo đạt sản lượng vượt kế hoạch đề ra, giá xuất khẩu tăng không chỉ tiêu thụ lúa gạo cho nông dân mà còn bù đắp cho phần kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản thiếu hụt. Mặt hàng nông sản và thủy sản là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, trong đó: hàng nông sản chiếm 68,76%, hàng thủy sản chiếm 29,46% và hàng hóa khác chiếm 1,78%. Cùng với đẩy mạnh phát triển các mặt hàng chủ lực, thị trường xuất khẩu cũng liên tục được mở rộng, ngoài những thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, EU... còn hướng mạnh ra những thị trường mới giàu tiềm năng.
Ngay trong thời điểm nền kinh tế gặp nhều khó khăn, những kết quả hết sức khả quan như trên phần nào thể hiện được sự năng động cùng những nỗ lực lớn lao của ngành công thương cũng như lực lượng doanh nghiệp đang bám trụ trên địa bàn. Tuy nhiên, những thành quả đạt được từ trước đến nay so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh vẫn chưa tương xứng, nhất là tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của ngành công thương trong GDP toàn tỉnh còn chậm; việc thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp – thương mại còn thấp; cơ sở hạ tầng đầu tư cho toàn ngành chưa đúng mức, chưa tạo động lực mạnh mẽ để huy động mọi nguồn nội lực trong tỉnh cũng như thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp – thương mại tỉnh nhà… Đó là những vấn đề cần phải được tiếp tục quan tâm trong quá trình phát triển ngành công thương của tỉnh trong thời gian tới, nhất là các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao trong sản phẩm.
Trong định hướng phát triển đến năm 2015, ngành công thương Kiên Giang đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân 5 năm 2011 – 2015 tăng 16,50%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng bình quân từ 13% - 14%, năm 2011 đạt 31.400 tỷ đồng, đến năm 2015 đạt 54.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 570 triệu USD năm 2011, đến năm 2015 đạt 900 triệu USD. Để đạt được các mục tiêu này, ông Nguyễn Xuân Lộc - Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang khuyến nghị các ngành, các cấp cần phải thường xuyên bám sát doanh nghiệp, nắm bắt tình hình thực tế thị trường trong và ngoài nước, cùng các doanh nghiệp kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm ổn định và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thương mại trọng điểm như chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại… qua đó kích thích quá trình giao thương và trao đổi hàng hóa. Cần tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ các dự án đầu tư mới triển khai đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn và các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại...
Gia Phúc
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI