Nền tảng để Quảng Ngãi xây dựng nông thôn mới (NTM) rất thuận lợi bởi khi thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh và Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, một số tiêu chí quan trọng phù hợp bộ tiêu chí quốc gia về NTM đã được xây dựng và hoàn thành.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư và Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 của Chính phủ, ngày 25/11/2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định số 238/QĐ-UBND phê duyệt Đề án về phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 định hướng đến năm 2020. Huyện ủy, HĐND các huyện cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn.
Đến nay công tác tổ chức bộ máy thực hiện chương trình ở các cấp đã hình thành và đi vào hoạt động. Cấp tỉnh có Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng thời thành lập Văn phòng Điều phối Chương trình đặt tại Sở NN&PTNT. UBND các huyện cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Hầu hết các huyện cũng đã bố trí cán bộ chuyên trách về xây dựng NTM. Ở cấp xã, 164/164 xã đã thành lập Ban Quản lý Chương trình do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban, thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc chương trình NTM trên địa bàn.
Kinh phí đầu tư trực tiếp cho Chương trình NTM trong năm 2011 là 27,8 tỷ đồng (chưa kể vốn lồng ghép từ các chương trình khác), trong đó TW hỗ trợ 25 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 2,8 tỷ đồng. Kinh phí nêu trên chủ yếu đầu tư cho công tác lập quy hoạch xây dựng NTM cấp xã và tập huấn, thông tin, truyền thông.
Theo Văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG về xây dựng NTM tỉnh, trong số 164 xã của 13 huyện thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến thời điểm này đã có 153 xã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí (11 xã của huyện Sơn Tây và Tây Trà chưa hoàn thành); 34 xã đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và 6 xã phê duyệt đồ án quy hoạch; nhiều xã đang trình phê duyệt, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân để hoàn thiện, trình UBND huyện phê duyệt đề án xây dựng NTM.
Ngoài ra Văn phòng Điều phối Chương trình NTM của tỉnh cũng đã phối hợp với Ban Chỉ đạo các huyện triển khai 14 lớp tập huấn phổ biến Sổ tay Hướng dẫn xây dựng NTM; 50 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn và 1 lớp tập huấn chuyên sâu về công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng nông thôn và lập đề án xây dựng NTM cấp xã. Tổng số lượt người tham gia là 5.563 lượt.
Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho biết một vấn đề hết sức quan trọng là xây dựng chương trình phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và các tchức đoàn thể nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát động, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực phong trào thi đua xây dựng NTM. Chính quyền các địa phương cần huy động sức mạnh của toàn dân, thực hiện trước những tiêu chí mà chưa cần đến sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, như vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, ruộng vườn, hiến đất mở rộng và vệ sinh đường làng, ngõ xóm….
Ông Tô nhấn mạnh: “Chương trình xây dựng NTM là chương trình mang tính toàn dân, do đó cần huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư thực hiện; tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án đã có trên địa bàn với việc huy động nội lực của cộng đồng và ngân sách hàng năm của các cấp bố trí đầu tư trực tiếp cho chương trình xây dựng NTM. Ngoài ra, các địa phương cần có giải pháp vận động các doanh nghiệp chung sức xây dựng NTM”.
Theo Đề án phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh có 33/164 xã đạt chuẩn NTM và con số này đến năm 2020 là 89 xã. Có thể thấy bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận của nhân dân, bức tranh xây dựng NTM ở Quảng Ngãi đang dần được hoàn thiện và tỉnh đang nỗ lực không ngừng để đạt tới mục tiêu cuối cùng.
Thiện Tân
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI