THỪA THIÊN - HUẾ

Huyện Phong Điền: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế

09:27:30 | 1/8/2012

Với diện tích trên 953,8 km, huyện Phong Điền có địa hình đa dạng: có cả núi đồi, đồng bằng, ven biển và đầm phá. Đây được coi là những nền tảng ban đầu cho sự phát triển kinh tế đa ngành nghề, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ.

Trao đổi về tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện Phong Điền, ông Nguyễn Đại Vui - Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Khởi đầu là một huyện thuần nông, nhưng mấy năm gần đây Phong Điền đang có những bước chuyển mình, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 19,63% năm. Kinh tế tăng trưởng đã làm thay đổi từng ngày diện mạo huyện nhà”.

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế của huyện Phong Điền đã có sự chuyển dịch đáng kể. Năm 2010, tỷ trọng các ngành công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ của huyện là 28,16% - 43,50% - 28,25%; đến 2011 các con số này lần lượt là 30,6 - 40,6 - 28,8%. Phá thế độc canh trong kinh tế nông nghiệp, huyện đã đầu tư khai thác hiệu quả lợi thế của ba vùng tự nhiên: vùng đồng bằng tập trung thâm canh nâng cao năng suất cây lúa gắn với phát triển dịch vụ và ngành nghề, vùng ven biển và đầm phá hình thành vùng nuôi tôm công nghiệp.

Vấn đề kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của Phong Điền cũng được lãnh đạo tỉnh, huyện quan tâm đầu tư đồng bộ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.689 tỷ đồng, giá trị xây dựng cơ bản 590 tỷ đồng, tăng gấp nhiều lần so với năm 2010. Cùng với nguồn lực đầu tư qua các năm, nhiều công trình có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội được đầu tư như hệ thống đê Đông Tây Ô Lâu, cảng biển Điền Lộc, đường cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc.

Từ những nền tảng này, đặc biệt là sự ra đời của KCN Phong Điền, huyện đã có điều kiện tốt hơn trong việc thu hút đầu tư. Tháng 6/2008, nhà máy may Scavi Huế đi vào hoạt động với hơn 3000 công nhân, nhà máy xi măng Đông Lâm đã hoàn thành một số hạng mục chính và đang triển khai đầu tư, nhiều cơ sở công nghiệp khai thác sâu các sản phẩm từ cát đã được đầu tư hoặc đi vào sản xuất như: Primer, Vicosilica (đang được đầu tư)…Các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống đang từng bước được khôi phục, xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, một loạt các tiềm năng du lịch của huyện cũng đang được đầu tư khai thác như: Suối khoáng Thanh Tân, khu du lịch sinh thái gò đồi, du lịch biển, du lịch làng cổ Phước Tích... Đây sẽ là một phần động lực giúp Phong Điền nhanh chóng chuyển dịch kinh tế và cơ cấu lao động trên địa bàn.

Trong quá trình Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Phong Điền đang ngày càng khẳng định được sức hút của mình để “trở thành vệ tinh trung tâm cho cửa ngõ phía Bắc Thừa Thiên Huế” như lời khẳng định của ông Chủ tịch huyện Nguyễn Đại Vui.

Đức Long