LẠNG SƠN

Na Chi Lăng: Xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường

14:34:36 | 22/5/2018


Cây na Chi Lăng được lấy giống từ Hoài Đức, Hà Nội lên trồng ở Chi Lăng, Lạng Sơn từ năm 1986. Mảnh đất với những dãy núi đá vôi nghèo khó tưởng chừng không có cây trồng phù hợp, vậy mà cùng với thời gian, cây na đã thể hiện được sức sống mãnh liệt trên mảnh đất đồi núi khô cằn. Giờ đây khi nhắc đến Chi Lăng không thể không nhắc đến sản vật đặc trưng nhất của nơi này - cây na ngọt thơm nức tiếng trong và ngoài nước.

Chi Lăng là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, trong đó núi đá và rừng là chủ yếu. Đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 19,67% diện tích toàn huyện với khoảng 14.000 ha là phù hợp với các loại cây trồng. Những năm qua, nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, huyện Chi Lăng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng na, vùng trồng ớt, vùng trồng gừng,... Đặc biệt cây na thích nghi rất tốt với điều kiện đất đai, khí hậu nên đến nay, cây na không chỉ là cây ăn quả xóa đói giảm nghèo mà còn là cây trồng chủ lực mang lại sự ấm no, giàu có cho đồng bào sinh sống trong vùng.



Bà Đinh Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, hiện Chi Lăng được coi là vùng sản xuất na tập trung lớn nhất cả nước, được trồng chủ yếu ở 08 xã và thị trấn gồm: Xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Quang Lang và xã Mai Sao, xã Y Tịch, xã Thượng Cường, xã Hòa Bình với diện tích trên 1.500 ha, sản lượng hàng năm ước đạt 15.000 tấn, giá trị kinh tế trên 300 tỷ đồng/năm. Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu na Chi Lăng, đồng thời được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập công nhận na Chi Lăng vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Ngày 29/7/2017, na Chi Lăng đã được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam lựa chọn tôn vinh nằm trong Top 150 sản phẩm đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam 2017”.

Để nâng cao năng suất cũng như chất lượng quả na, những năm qua, huyện Chi Lăng đã phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc na và định hướng nông dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm chuẩn hóa quy trình canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây na, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức tốt quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể chứng nhận na Chi Lăng,… Đặc biệt nhằm nâng cao giá trị và phát triển kinh tế từ cây na một cách bền vững, từ năm 2014, huyện Chi Lăng đã vận động, hỗ trợ nhân dân sản xuất na an toàn theo quy trình VietGap và được người dân nhiệt tình ủng hộ. Toàn huyện đã có gần 1.000 ha na đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận sản xuất na an toàn theo Thông tư 51/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, huyện Chi Lăng đã xây dựng thành công hơn 86,96 ha na theo tiêu chuẩn VietGAP và 5 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP để hướng đến xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia,…

Ngày nay, na Chi Lăng ngày càng chứng tỏ ưu thế vượt trội so với các loại na khác trên thị trường. Quả na có mẫu mã đẹp, đều, cho hàm lượng đường, chất dinh dưỡng cao, cùi dày, ít hạt, mát bổ nên được người tiêu dùng ưa thích. Na Chi Lăng có thương hiệu, nổi tiếng khắp vùng được khách trong và ngoài nước tìm đến tìm hiểu, đặt mua với số lượng lớn.

Để tạo hiệu ứng để tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy phong trào trồng na trong nhân dân theo quy trình VietGap, GlobalGap; góp phần cụ thể hóa chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong hai ngày 11-12/8/2017, được sự đồng ý của Tỉnh ủy Lạng Sơn, huyện Chi Lăng tham mưu cho UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức “Ngày hội Na Chi Lăng lần thứ nhất năm 2017” nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đặc sản na Chi Lăng ra thị trường trong và ngoài nước. Đây còn là nơi kết nối “4 nhà”: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý; đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho đặc sản Na Chi Lăng theo hướng bền vững.

Dù là lần đầu tiên được tổ chức, song Ngày hội Na Chi Lăng đã thu hút sự tham gia của 1.200 đại biểu, du khách tham dự, trong đó có nhiều lãnh đạo bộ, ngành và địa phương, cùng hơn 300 đơn vị và 52 gian hàng. Tại sự kiện đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác về việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại Lạng Sơn và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Lễ ký kết về việc hợp tác đảm bảo thu mua và tiêu thụ nông sản giữa Công ty CP Đầu tư thương mại VIET RAP và Công ty Chế biến và xuất khẩu nông sản Lạng Sơn. Với những bản hợp đồng được ký trong Ngày hội, na Chi Lăng và các nông sản của Lạng Sơn sẽ tiếp tục được tiếp cận với nhiều kênh tiêu thụ mới, chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn thương hiệu “Na Chi Lăng” sẽ tiếp tục được nâng cao hơn nữa, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.