BẠC LIÊU

Cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế

11:06:25 | 15/7/2020

Nền kinh tế của Bạc Liêu những năm qua đã đạt một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế về cơ bản vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có những cải cách mạnh mẽ hơn để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập hiện nay.

Nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng xanh là những vấn đề tỉnh Bạc Liêu đang chú trọng triển khai thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày càng được cải thiện.

Chuyển biến rõ nét nhất là ngành nông nghiệp của tỉnh đã chuyển từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu với nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, hiệu suất đầu tư trên mỗi đơn vị diện tích, hàm lượng ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tăng; đang triển khai xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về tôm; xây dựng khu nuôi an toàn sinh học theo chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.

Về công nghiệp tỉnh đang tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), hiện tại Nhà máy Điện gió Bạc Liêu quy mô công suất 99,2 MW đang hoạt động ổn định. Đồng thời, đã triển khai thi công 04 dự án điện gió với tổng công suất 292 MW. Ngoài ra, đã thu hút 19 dự án điện gió khác, tổng công suất hơn 4.000 MW, hiện đang chờ bổ sung vào quy hoạch.

Đặc biệt, tỉnh đã mời gọi, thu hút được Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Tổng sơ đồ điện VII quốc gia, tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư và nhà đầu tư đang khẩn trương triển khai các thủ tục có liên quan.

Một số trọng tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - ông Dương Thành Trung cho biết, trong thời gian tới tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện các nội dung như:

- Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, từng bước ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng phương pháp canh tác tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất và nước. Hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đáp ứng cho nhu cầu công nghiệp chế biến. Xây dựng các hệ thống quản lý nước để ngăn chặn xâm nhập mặn; áp dụng các biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước; hạn chế sử dụng các loại phân bón và chất bảo vệ thực vật hóa học.

- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến trong tỉnh tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị để giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu, tài nguyên đồng thời nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.

- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành và chất lượng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh. Tăng cường khai thác dịch vụ du lịch kết hợp với các dự án điện gió. Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm du lịch đã được quy hoạch; tích cực mời gọi đầu tư, phát triển các khu, tuyến du lịch sinh thái ven biển, các dự án kết hợp điện gió với du lịch; các dự án xây dựng khu resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ven biển.… Quan tâm đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng các cơ sở du lịch hiện có và triển khai mới các dự án về du lịch, nhất là các dự án về lưu trú, lữ hành, thương mại, vận tải; phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch cấp vùng; khuyến khích phát triển, nâng cấp các cơ sở dịch vụ du lịch, chất lượng phục vụ du khách và tăng cường công tác bảo vệ môi trường; quản lý, khai thác, tổ chức tốt các hoạt động du lịch lịch sử - văn hóa.

- Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước; khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Tập trung các nguồn lực thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn: Vietnam Business Forum