BẠC LIÊU

Bạc Liêu: Sẵn sàng đón cơ hội vàng từ Hiệp định EVFTA và EVIPA

09:13:44 | 7/9/2020

Những năm gần đây, Bạc Liêu đã mạnh mẽ vươn lên trở thành điểm sáng trong bức tranh chung của vùng ĐBSCL về phát triển KT - XH, thu hút đầu tư với nhiều dự án mang tính động lực, tạo tiền đề, hiệu ứng lan tỏa để tỉnh nhà tiếp tục gia tăng sức hút đầu tư trong chặng đường mới. Tỉnh Bạc Liêu sẽ có sự chuẩn bị như thế nào để đón đầu cơ hội từ EVFTA và EVIPA cùng với sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trong khu vực? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Thanh Tùng thực hiện.

Ông có thể chia sẻ về những thành tựu nổi bật tỉnh Bạc Liêu đạt được trong thu hút đầu tư?

Công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua được thực hiện đa dạng, đổi mới về hình thức và chú trọng chiều sâu, chất lượng ngày càng được nâng cao. Trong năm 2019, có 10 dự án triển khai thực hiện với tổng vốn giải ngân trên 2.000 tỷ đồng. Tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy CNĐKĐT cho 16 dự án, trong đó có: 13 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.145,3 tỷ đồng; 3 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký 113,51 triệu USD (tăng 2 dự án so với cùng kỳ).

Bạc Liêu hôm nay đang dần trở thành điểm sáng của vùng ĐBSCL trong thu hút, mời gọi các NĐT trong cũng như ngoài nước, thể hiện qua việc tổ chức thành công "Gặp mặt một số DN, NĐT tại Hà Nội và Tp.HCM"; đặc biệt là việc phối hợp với Bộ Ngoại giao, Tập đoàn FLC và Tập đoàn Việt Úc tổ chức thành công 2 sự kiện (Tọa đàm "Gặp gỡ Bạc Liêu", "Tôm Bạc Liêu - Hương vị Việt Nam") tại Quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long - Quảng Ninh góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh của tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh thông điệp "trung tâm ngành công nghiệp tôm Việt Nam" và xây dựng thương hiệu "tôm Bạc Liêu" đến với các cộng đồng trong nước và quốc tế.

Riêng 6 tháng đầu năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19 song Bạc Liêu vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 3%, trong đó nổi bậc tỉnh đã cấp phép đầu tư 9 dự án với tổng vốn đăng ký trên 100.000 tỷ đồng - mức cao kỷ lục của tỉnh. Những yếu tố này đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã thu hút và cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 9 dự án (trong đó 8 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 4.279,94 tỷ đồng; 1 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4 tỷ USD), tăng 2 dự án so với cùng kỳ và tăng 2.331,01 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư trong nước, tăng 3,89 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư nước ngoài). Những dự án tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư tập trung vào 5 trụ cột kinh tế của tỉnh như điện gió, nông nghiệp ứng dụng cao; đặc biệt dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu của Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd với tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD được xem là dự án động lực của tỉnh. Về phát triển DN, đến thời điểm này đã có 215 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 2.930 tỷ đồng, tăng 9,13% về số lượng DN so cùng kỳ và tăng 29,27% về vốn đăng ký. Những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư, phát triển DN thời gian qua kỳ vọng sẽ tạo tiền đề và hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần tăng sức hút đối với các dự án FDI vào Bạc Liêu trong thời gian tới.

Khi đến với Bạc Liêu, nhà đầu tư sẽ nhận được sự hỗ trợ cũng như những chính sách ưu đãi nào, thưa ông?

Bạc liêu là tỉnh nằm trong danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ. Trong đó 7 đơn vị hành chính của tỉnh thì có 6 đơn vị là địa bàn có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn và 1 địa bàn  địa bàn có điều kiện KT - XH khó khăn. Vì vậy khi đầu tư dự án tại tỉnh, NĐT sẽ được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất theo khung quy định, với phương châm "đúng đối tượng, đủ chính sách, nhanh thủ tục".

Bên cạnh đó, với những giải pháp không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cùng tinh thần cầu thị của lãnh đạo tỉnh, sự tận tụy của những cán bộ trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính, nhà đầu tư (NĐT) sẽ được tư vấn, hỗ trợ và giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính có liên quan, với phương châm "Thuận lợi - Nhanh chóng và Thân thiện". Đặc biệt cam kết của  tỉnh "Nói không với các chi phí không chính thức"; "Luôn đồng hành cùng NĐT và DN" và nhất quán phương châm "Việc gì dễ dành cho DN, việc gì khó các cơ quan Nhà nước phải làm".

Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư tại khu vực đang mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong thu hút FDI. Vậy tỉnh Bạc Liêu đã có sự chuẩn bị ra sao để đón cơ hội này?

Tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, KT - XH, tăng cường các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình giao thông trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư; đẩy mạnh việc lập và bổ sung điều chỉnh quy hoạch phát triển KT - XH, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm và quy hoạch xây dựng làm nền tảng thu hút kêu gọi xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh. Thực hiện chính sách, cơ chế thích hợp đúng quy định của pháp luật để huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Vận dụng và có cơ chế thích hợp để thu hút các nguồn lực của các địa phương trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng trong tỉnh; điều chỉnh giá thuê đất một cách linh hoạt cho từng thời kỳ để vừa tăng thêm nguồn thu, vừa thu hút các NĐT và có chính sách phù hợp để khơi dậy tối đa nội lực từng vùng trong tỉnh.

 Bên cạnh đó, tỉnh chủ động bố trí nguồn lực công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất để mời gọi, thu hút đầu tư. Trước mắt, sẽ tập trung vào hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCN Láng Trâm quy mô 100 ha để mời gọi các NĐT, nhất là các NĐT FDI đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh. Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp cận khoa học tiên tiến, kỹ thuật công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu DN và đặc biệt là trong các lĩnh vực tỉnh đang hướng tới thu hút đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác cải cách hành chính, trọng tâm là rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; xây dựng hoàn thiện về chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, định hướng của tỉnh, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến các nước trong khu vực và quốc tế. Đồng thời  tăng cường công tác giám sát, đánh giá, các biện pháp phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; đảm bảo ổn định trật tự an toàn xã hội, môi trường đầu tư tốt trên địa bàn để an lòng NĐT.

Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020. Nhằm giúp các DN trong tỉnh nắm bắt tốt cơ hội từ EVFTA, Bạc Liêu đã có những động thái cũng như chương trình hỗ trợ thiết thực nào?

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản. Để giúp các DN trong tỉnh tận dụng tốt cơ hội EVFTA đem đến, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã có những bước chuẩn bị cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động nguồn lực để đầu tư phát triển. Theo đó tỉnh xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện, nâng cao điểm số và thứ hạng PCI, trong đó tập trung vào những chỉ số thành phần giảm điểm và thứ hạng trong năm, đồng thời duy trì và phát huy những chỉ số thành phần có thứ hạng cao.

 Tiếp tục đẩy mạnh hơn cải cách thủ tục hành chính, nhất là đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, trọng tâm là rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, NĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, tích cực hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết các khó khăn cho DN, NĐT, tạo động lực cho DN phát triển, NĐT triển khai thực hiện các dự án đúng theo tiến độ cam kết, nhất là dự án động lực của tỉnh và các dự án điện gió, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 Đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả của các Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và DN. Tỉnh cũng sẽ sớm thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm hỗ trợ DN khởi nghiệp và xúc tiến đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, góp phần hỗ trợ DN khởi nghiệp cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh. Song song đó tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho các DN chủ động thực hiện phương án tham gia hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế và giữ vững các mối quan hệ với các đối tác đã được thiết lập. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh; tăng cường xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch nhằm quảng bá hình ảnh, tuyên truyền, giới thiệu về môi trường đầu tư, tiềm năng và lợi thế của tỉnh đến với cộng đồng các NĐT trong nước cũng như quốc tế, qua đó thu hút ngày càng nhiều NĐT đến với Bạc Liêu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn:  Vietnam Business Forum