GIA LAI

Đầu tư hạ tầng giao thông vận tải, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội

13:55:18 | 14/12/2020

Giao thông vận tải (GTVT) là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Do vậy những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã tập trung ưu tiên đầu tư phát triển GTVT với tốc độ nhanh, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của tỉnh.

Phát triển vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải

Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Gia Lai, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 481 doanh nghiệp, hộ cá thể và 27 hợp tác xã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ bằng ô tô, với 3.980 phương tiện. So với đầu năm 2016 tăng 09 hợp tác xã, tăng 169 doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh vận tải và tăng 1.510 phương tiện kinh doanh vận tải.

Tình hình hoạt động và phát triển của vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định: Có 01 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt, với 14 xe buýt, hoạt động trên 6 tuyến. Trong đó, có 5 tuyến liên huyện, 01 tuyến nội thành phố Pleiku (ngoài ra có 01 tuyến liên tỉnh Gia Lai - Kon Tum do đơn vị tỉnh bạn khai thác), các tuyến có lộ trình xuất phát từ trung tâm tỉnh lỵ thành phố Pleiku đi qua trung tâm hành chính 09 huyện, thị xã và nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh; cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Hiện nay, trên toàn tỉnh có 9 bến xe khách, trong đó có 7 bến xe hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Sở đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng bến xe khách hoạt động theo mô hình xã hội hóa trên địa bàn các huyện chưa có bến xe. So với đầu năm 2016 tăng 01 bến xe (Bến xe Phú Thiện), 03 bến xe được đầu tư nâng cấp mới theo mô hình xã hội hóa.

Đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, Sở GTVT Gia Lai đã phối hợp tốt với Cảng Hàng không Pleiku trong công tác trao đổi thông tin về tình hình hàng không thông qua Cảng vào những thời gian cao điểm để đảm bảo sự phối hợp tốt giữa các phương thức vận tải. Hiện tại Sân bay Pleiku hàng ngày có 3 chuyến bay Gia Lai - Sài Gòn, 3 chuyến Gia Lai - Hà Nội, Pleiku đi Hải Phòng có 3 chuyến/tuần, Pleiku đi Đà Nẵng có 3 chuyến/tuần; so với nhiệm kỳ trước, mở mới 01 tuyến (Pleiku - Hải Phòng).

Đánh giá về phát triển vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, ông Lê Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở GTVT Gia Lai cho rằng, hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, hoạt động ổn định. Các đơn vị vận tải không ngừng đầu tư mới phương tiện, ứng dụng tin học trong quản lý. Chất lượng dịch vụ vận tải được nâng cao, số lượng tuyến vận tải khách tăng, hình thành và mở mới nhiều tuyến vận tải quốc tế (Campuchia, Lào). Sản lượng vận tải năm sau tăng hơn năm trước, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tăng liên kết vùng

Trong 5 năm qua,được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự quan tâm của các cấp, ngành của Trung ương, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên toàn tỉnh nâng cấp và xây dựng mới được khoảng 1.189 km đường các loại; đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 16 dự án trọng điểm, đã được đầu tư hoặc sắp đầu tư với tổng nguồn vốn  đầu tư khoảng 10.664,952 tỷ đồng.

Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, tập trung vốn cho các công trình dự án cấp bách, trọng điểm, ưu tiên các dự án nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch. Tăng cường đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phục vụ công tác giảm nghèo, bảo đảm cho tất cả các xã có đường ô tô được cứng hóa vào đến  trung tâm xã.

Với hệ thống 6 quốc lộ 723 km, 10 đường tỉnh 372 km cùng kết nối với gần 11.088 km đường huyện, đường đô thị, đường xã, đường thôn làng, đường chuyên dùng,… tạo nên một mạng lưới giao thông cơ bản hoàn chỉnh, đảm bảo an ninh-quốc phòng trên địa bàn tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên.

Ông Lê Văn Hạnh cho biết, tỉnh Gia Lai tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, giảm tai nạn giao thông, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý với cơ cấu phù hợp điều kiện của địa phương. Hình thành và phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trên địa bàn tỉnh theo định hướng quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan. Tạo sự kết nối thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng trong giai đoạn 2021-2025.

Hiện tỉnh đang phối hợp Bộ GTVT, các cơ quan Trung ương và các chủ đầu tư hoàn thành các dự án trọng điểm: Cải tạo nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25, Dự án Quốc lộ 14C giai đoạn 2, Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (QL19) vốn vay Ngân hàng thế giới (WB), Đường tỉnh 662B, Đường tỉnh 665 thuộc Dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới (vay vốn ADB), Đường tỉnh 666, Dự án cầu dân sinh (dự án LRAMP); Tuyến giao thông biên giới cấp bách trên địa bàn huyện Đức Cơ; Sửa chữa, nâng cấp đường liên huyện Pleiku - Đăk Đoa - Chư Sê: Đoạn Ngã ba La Sơn đến trung tâm xã Ia Tiêm (Km0-Km7+100); Đường liên huyện Chư Sê - Chư Pưh - Chư Prông, tỉnh Gia Lai với tổng mức đầu tư là 5.993 tỷ đồng.

Đồng thời, thực hiện các dự án cần ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 như: Quốc lộ 19D, Quốc lộ 25, Đường tỉnh 664, huyện Ia Grai, Đường tỉnh 663 (đoạn từ Km33+200 - Km47+300), Đường tỉnh 670B, Đường tỉnh 669, Đường nối Gia Lai - Phú Yên, Đường liên huyện Pleiku - Đak Đoa - Chư Sê, Cầu trên đường liên xã An Trung - Kông Yang, huyện Kông Chro với tổng mức đầu tư là 4.347 tỷ đồng,...

Ngoài ra, phối hợp với các địa phương kiến nghị Trung ương đẩy nhanh tiến trình đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - Kon Tum, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường nối Gia Lai – Phú Yên nhằm đảm bảo liên kết vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ nói chung.

Nguồn: Vietnam Business Forum