VĨNH PHÚC

Kho bạc Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc: Cải cách hành chính - nâng cao hiệu quả thu, chi ngân sách

12:54:35 | 19/1/2021

Với việc đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Vĩnh Phúc đang ngày càng nâng cao hiệu quả công tác thu, chi ngân sách (NSNN) địa phương. Ông Nguyễn Hồng Cương, Giám đốc KBNN tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi với Vietnam Business Forum xung quanh vấn đề này. Ngô Khuyến thực hiện.

Ông có đánh giá gì về kết quả đạt được của KBNN trong 5 năm qua và đâu là bài học kinh nghiệm được rút ra?

Trong giai đoạn 2015-2020. KBNN Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát các khoản thu, chi NSNN; tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, ngành trong khối tài chính - thuế - hải quan và các ngân hàng thương mại (NHTM) tập trung nhanh, đầy đủ các khoản thu và điều tiết chính xác cho các cấp thụ hưởng; kiểm soát thanh toán các khoản chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi tiêu của các cấp ngân sách và đơn vị thụ hưởng; tổ chức tốt công tác kế toán thanh toán; đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền, tài sản Nhà nước giao quản lý; đồng thời chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính (CCCH) trong mọi hoạt động...

Nhờ vậy, hoạt động thu-chi ngân sách 5 năm qua của tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo được nhiều dấu ấn đáng kể. Nếu như năm 2015, tổng thu NSNN của tỉnh đạt 24.794 tỷ đồng (bằng 113,3% dự toán) thì đến năm 2019 đạt 35.025 tỷ đồng (bằng 126% dự toán); riêng thu NSNN 11 tháng năm 2020 đạt 24.396 tỷ đồng, chỉ bằng 73% dự toán (do tác động của dịch Covid). Chi NSNN năm 2019 đạt 15.631 tỷ đồng, bằng 93% dự toán; chi NSNN 11 tháng năm 2020 đạt 13.494 tỷ đồng, (bằng 76,6% dự toán). Tỷ lệ thu, chi ngân sách bằng tiền mặt giảm dần: Tỷ lệ thu tiền mặt so với tổng thu từ 18,4% năm 2015 giảm xuống còn 5,1% năm 2019 và 1,4% trong 11 tháng năm 2020); Tỷ lệ chi tiền mặt so với tổng chi từ 31,2% năm 2015 giảm xuống còn 10,9% năm 2019 và 2,5% trong 11 tháng năm 2020)

Có được kết quả trên trước hết nhờ KBNN Vĩnh Phúc đã luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, giữ vững kỷ luật hành chính, kỷ cương trong thi hành công vụ. Không chỉ chấp hành nghiêm chế độ chính sách, quy trình, trách nhiệm, cán bộ công chức KBNN tuyệt đối không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu khách hàng. Bên cạnh đó là việc triển khai, cập nhật kịp thời các chế độ, chính sách mới đến toàn thể công chức để nghiên cứu, thực hiện đúng quy định.

KBNN Vĩnh Phúc cũng đẩy mạnh cải cách TTHC trong các hoạt động nghiệp vụ; tích cực phối hợp thu với các NHTM; ứng dụng các chương trình thanh toán hiện đại trong quản lý thu, chi NSNN (thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán song phương điện tử, chương trình hiện đại hóa thu ngân sách (TCS), quy trình một cửa trong kiểm soát chi NSNN). Đặc biệt thực hiện Nghị định 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ, KBNN Vĩnh Phúc đã tuyên truyền, vận động các đơn vị giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) với Kho bạc; đến hết tháng 11/2020, đã triển khai DVCTT đến 100% đơn vị sử dụng NSNN với tỷ lệ giao dịch qua DVC đạt 93,3%.

KBNN Vĩnh Phúc còn tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, KBNN trong quá trình hoạt động; báo cáo, tham mưu với lãnh đạo các cấp để xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Ngoài ra, KBNN Vĩnh Phúc đã đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thông tin; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; thực hiện tốt việc đoàn kết nội bộ và công tác thi đua khen thưởng.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII và Kế hoạch 2021-2025; ông có thể cho biết những mục tiêu chính yếu, nhiệm vụ trọng tâm của KBNN trong năm khởi đầu quan trọng này?

Năm 2021, KBNN Vĩnh Phúc xác định những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Thực hiện tốt Chỉ thị số 1618/CT-KBNN của Tổng Giám đốc KBNN về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ; đẩy mạnh công khai, minh bạch hoá các TTHC; tuân thủ chế độ, quy trình, thời hạn thanh toán; tận tụy, trách nhiệm trong công việc; văn minh, đúng mực trong giao tiếp; tuyệt đối không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu khách hàng.

- Phối hợp với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời; phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2021; tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại các NHTM để tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tập trung nhanh, kịp thời các khoản thu vào NSNN; mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc chi trả thanh toán cá nhân qua tài khoản tại ngân hàng góp phần giảm tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt tại KBNN.

- Tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Theo dõi chặt chẽ tình hình thu, chi NSNN, tổng hợp, báo cáo, tham mưu kịp thời, chính xác các thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành quỹ NSNN của các cấp lãnh đạo.

- Triển khai chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN đúng quy định; hạch toán kịp thời, chính xác các khoản thu, chi; đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền, tài sản nhà nước giao Kho bạc quản lý cũng như thực hiện tốt việc tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN, báo cáo tài chính nhà nước năm 2020.

- Tiếp tục công bố, cập nhật, niêm yết công khai các TTHC; thực hiện tốt quy trình một cửa trong kiểm soát chi NSNN; đẩy mạnh triển khai phấn đấu 100% chứng từ giao dịch qua DVCTT.

- Tăng cường sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành.

Để việc kiểm soát chi NSNN chặt chẽ song vẫn đảm bảo hiệu quả cho các đơn vị sử dụng ngân sách, KBNN Vĩnh Phúc có giải pháp nào nhằm cải cách TTHC và hiện đại hóa hoạt động Kho bạc?

Với mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ, KBNN Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp CCHC theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch; qua đó giúp giảm thiểu thời gian, chi phí cho các đơn vị dự toán ngân sách, chủ đầu tư và người dân trong quá trình giao dịch. Cụ thể:

Thứ nhất: Tuân thủ chế độ, quy trình nghiệp vụ; rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán từ 07 ngày xuống còn 01 ngày (đối với quy trình thanh toán trước, kiểm soát sau), 03 ngày (đối với quy trình kiểm soát trước thanh toán sau).

Thứ hai: Công khai TTHC về trình tự kiểm soát thanh toán, phân định cụ thể từng công việc thực hiện và trách nhiệm giải quyết của từng chức danh khi tham gia quy trình.

Thứ ba: Triển khai DVCTT đến các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư. DVCTT đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện chuyển/gửi hồ sơ thanh toán và nhận trả kết quả kiểm soát chi NSNN thông qua internet online nhanh chóng, chính xác. Quy trình thao tác đơn giản, tiến tới thực hiện ngày càng nhanh, tiện lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN và cán bộ thực hiện nghiệp vụ kiểm soát chi của KBNN.

Thứ tư: Tiếp tục triển khai thanh toán điện tử tập trung với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các NHTM; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với các NHTM thực hiện chi tiền mặt qua hệ thống NHTM đối với các khoản chi lớn, chi thanh toán cá nhân qua tài khoản.

Để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, KBNN Vĩnh Phúc đã tham mưu, thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?

Để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, KBNN Vĩnh Phúc đã tích cực tham mưu và thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm:

Trước hết là luôn công khai, minh bạch: Các quy trình, thủ tục liên quan đến lĩnh vực KBNN đều được niêm yết tại vị trí thuận tiện tại trụ sở để khách hàng dễ tiếp cận, tìm hiểu; tuyên truyền đến các cá nhân, đơn vị có liên quan về những thay đổi TTHC của ngành. Cụ thể năm 2020, triển khai Nghị định số 11 của Thủ tướng Chính phủ về TTHC thuộc lĩnh vực Kho bạc và các hướng dẫn của Bộ Tài chính, KBNN, KBNN Vĩnh Phúc đã triển khai tuyên truyền những thay đổi của các TTHC qua các phương tiện như: văn bản, hội nghị khách hàng, cơ quan báo, đài truyền hình và trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Thứ hai là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp DVCTT cấp độ 4. Trong năm 2020, tỷ lệ thu, chi bằng tiền mặt qua Kho bạc Vĩnh Phúc đã giảm 81% so với năm 2019. Đến tháng 11/2020, toàn tỉnh có 1.095/1.095 đơn vị đăng ký DVC, đạt 100%; số lượng chứng từ qua DVC đạt 93,3%.

Thứ ba là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng; chỉ đạo công chức chấp hành nghiêm 10 Điều kỷ luật của ngành; làm việc trách nhiệm, tận tụy, trung thực, đúng chức trách, thẩm quyền; có thái độ văn minh, lịch sự; bố trí công chức phù hợp với năng lực và vị trí việc làm, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân.

Thứ tư là kịp thời giải quyết khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng ngân sách; rà soát các vướng mắc để có biện pháp xử lý cụ thể, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các đơn vị giao dịch với Kho bạc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum