Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 song với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Văn Lâm cùng nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các tổ chức, các thành phần kinh tế và nhân dân trong huyện, tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 đã đạt được những kết quả khả quan.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhiều kết quả ấn tượng
Trên địa bàn huyện hiện nay có 686 doanh nghiệp (DN) công nghiệp đang hoạt động (trong đó 91 DN có vốn đầu tư nước ngoài), tăng 35 DN hoạt động so với cùng kỳ, tạo việc làm cho 50.141 lao động. Giá trị sản xuất (giá thực tế) ước đạt 94.641 tỷ đồng, tăng 13,67% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm tăng trưởng khá như: thép cán các loại tăng 8,3%, bao bì bằng chất dẻo tăng 6,8%, dây điện đơn kiện tăng 3,74%, các sản phẩm bằng plastic tăng 4,28%.
Tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp huyện Văn Lâm giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2025; trình UBND tỉnh phê duyệt Cụm công nghiệp Minh Khai vào bổ sung Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp tỉnh giai đoạn đến năm 2020 và trình phê duyệt thành lập Cụm công nghiệp Minh Khai; đồng thời trình UBND tỉnh thẩm định phê duyệt điều chỉnh vị trí, diện tích Cụm công nghiệp Lạc Đạo. Phối hợp với Điện lực Hưng Yên rà soát, bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động, kế hoạch kiểm tra liên ngành phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; triển khai kế hoạch hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngành tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Hoạt động của các làng nghề, các hộ sản xuất cá thể tương đối ổn định. Tổng số hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong năm là 2.999 hộ tăng 679 hộ so với cùng kỳ; tương ứng với 7.134 lao động tăng 22% lao động so với năm 2019.
Thương mại và dịch vụ tăng trưởng mạnh
Toàn huyện có 536 DN đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ (tăng 15 DN so với năm 2019) và 6.697 hộ kinh doanh dịch vụ (hộ cá thể), tạo việc làm cho 15.649 lao động tăng 2.773 lao động so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất (giá thực tế) ngành thương mại - dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt 14,5% so với cùng kỳ. Thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân; nhóm ngành có xu hướng tăng cao như: dịch vụ ăn uống tăng 10,24%, dịch vụ phục vụ tăng 14,6%, hàng tiêu dùng tăng 13,8%. Vận tải có 81 DN cùng 534 hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và hành khách, tạo việc làm cho 1.418 lao động (tăng 13 DN và 187 lao động so với năm 2019).
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm từ lợn qua biên giới và kiểm tra dịch bệnh ''ảnh kim chân trắng'' trên tôm xuất xứ từ Trung Quốc. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, quản lý thị trường, ban chỉ đạo 389 của huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và tuyên truyền tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Tham gia Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên 2020 và Hội chợ Xuân Canh Tý năm 2020, quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch điện tử tỉnh Hưng Yên và có văn bản đề xuất cơ chế, chính sách, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh
Về sản xuất nông nghiệp: Tổng diện tích gieo trồng cả năm 2020 là 5.197,45 ha, giảm 1.087,85 ha (giảm 17%) so với năm 2019, trong đó diện tích lúa là 4.226,03 ha, giảm 852,84 ha (giảm 16,8%) so với năm 2019; lúa chất lượng cao là 2.958,22 ha (chiếm 70%), lúa năng suất cao là 1.267,81ha (chiếm 30%). Năng suất lúa cả năm đạt 61,6 tạ/ha (vụ xuân đạt 65,83 tạ/ha, vụ mùa đạt 57,1 tạ/ha) giảm 0,92% so với năm 2019; sản lượng thóc cả năm là 26.035 tấn. Diện tích rau màu các loại là 971,42 ha, giảm 19,5% (năm 2019 là 1.206,43 ha) chủ yếu tại diện tích trồng rau màu cây vụ đông. Giá trị sản xuất/ha canh tác đạt 205 triệu đồng/ha. Đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với diện tích 157,98 ha nâng tổng diện tích chuyển đổi 602,82 ha. Phát động tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, sau Lễ phát động đã trồng được 16.500 cây, đạt 106% kế hoạch. Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Hưng Yên và kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm nông nghiệp năm 2020 trên địa bàn huyện.
Trong năm 2020, tổng đàn lợn đạt 14.621 con, tăng 7,3% con so với năm 2019; tổng đàn gia cầm 812.000 con tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2019; tổng diện tích thu hoạch thủy sản 179 ha, sản lượng thủy sản đạt 1.156 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019. Đã triển khai kế hoạch tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường với tổng lượng thuốc là 3.000 lít. Đã tiêm phòng vắc xin 02 bệnh đỏ cho 18.680 lượt con lợn; vắc xin tai xanh cho 12.630 lượt con lợn; vắc xin tụ huyết trùng cho 1.480 lượt con trâu, bò; vắc xin cúm cho 301.229 con gia cầm; vắc xin lở mồm long móng cho 7.351 lượt con gia súc.
Tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%, trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch là 67%. Về xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã công nhận 3 xã Tân Quang, Đình Dù và Lạc Hồng đạt xã chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020. Huyện Văn Lâm đã tổ chức thẩm định 02 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong thời gian tới, huyện Văn Lâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ các cụm công nghiệp đã được quy hoạch; đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; xây dựng và mở rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của nông dân. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và chủ động tiến tới thực hiện tốt xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn.
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI