Với vị trí “cầu nối” giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc và thủ đô Hà Nội nên việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) đồng bộ, hiện đại không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Phú Thọ mà còn tạo thúc đẩy liên vùng. Nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như thực hiện tốt sứ mệnh “Đi trước mở đường”, thời gian qua, ngành GTVT Phú Thọ đã tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển hệ thống GTVT, qua đó đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mở đường rộng - Xây cầu lớn
Đó là những nỗ lực, cũng là dấu ấn nổi bật của ngành GTVT Phú Thọ trong 5 năm 2016-2020. Triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 15/7/2016 của Tỉnh ủy Phú Thọ, Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 3692/CTr-UBND ngày 30/8/2016 về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt giai đoạn 2016 - 2020, nhằm cụ thể Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.
Từ năm 2016 đến nay, Sở GTVT đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoàn thành nhiều công trình quan trọng như: Xây dựng các tuyến đường kết nối từ nút giao IC-9, IC-10 và nút giao IC-11 cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến các Khu công nghiệp (KCN) Phú Hà nhằm kết nối với đường Hùng Vương vào trung tâm thị xã Phú Thọ, QL.32C vào KCN và trung tâm huyện Cẩm Khê....; hoàn thành 13,1km QL.32C tránh thành phố Việt Trì (từ Chợ Nú đến cầu Phong Châu); 30km đường cấp III kết nối từ QL.32, ĐT.316B đến QL.70B đi tỉnh Hòa Bình; Cầu Văn Lang và tuyến đường dẫn kết nối với QL.2D thành phố Việt Trì với QL.32, huyện Ba Vì (thủ đô Hà Nội); cầu Đồng Quang kết nối huyện Thanh Thủy với huyện Ba Vì (Hà Nội); 65 cầu dân sinh trên địa bàn các xã miền núi, khó khăn...
Hiện tỉnh Phú Thọ đang phối hợp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô nối thành phố Việt Trì với huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) và tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ chiều dài 40,2km kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai tại nút giao IC9 (thị xã Phú Thọ), các tuyến QL.2, QL.2D, QL.70 và các đường tỉnh ĐT.314B, ĐT.315B...
Cùng với đầu tư xây dựng mới, việc bảo trì, nâng cấp hệ thống đường bộ luôn được quan tâm. Trong 5 năm qua, các đơn vị đã tổ chức sửa chữa tăng cường nền, mặt đường và cải tạo, nâng cấp189km quốc lộ được ủy thác quản lý (QL.2D, QL.32, QL.32B, QL.32C,...), 131km đường tỉnh (ĐT.313C, ĐT.313D, ĐT.314,...); sửa chữa, cải tạo 26 vị trí điểm đen mất an toàn giao thông; lắp đặt bổ sung gần 1.000 biển báo hiệu đường bộ...
Với sự nỗ lực không ngừng, đến nay, hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh có 62km cao tốc Nội Bài-Lào Cai với 05 nút giao IC7, IC8, IC9, IC10 và IC11 kết nối với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh và đường đô thị; 09 tuyến quốc lộ với 531km quy mô từ cấp V trở lên, đã cứng hoá 100%; 54 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 794km đã cứng hoá 98,75%; 12 cầu lớn (Đoan Hùng, Kim Xuyên, Hùng Lô, Hoàng Cương, Hạc Trì, Việt Trì, Hạ Hoà, Ngọc Tháp, Phong Châu, Đồng Quang, Trung Hà và cầu Văn Lang), hàng trăm cầu nhỏ và đường địa phương, tạo đà cho việc kết nỗi từ thành phố Việt Trì đến các đô thị, vùng nông thôn, KCN và mạng lưới giao thông đối ngoại liên hoàn đến các tỉnh, thành phố, khu vực kinh tế lớn.
Nỗ lực kết nối
Trong 5 năm qua, tỉnh Phú Thọ cũng đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng GT đô thị, nông thôn và các loại hình vận tải.
Toàn tỉnh hiện có 556,6km đường đô thị (416,7km bê tông, bê tông nhựa, láng nhựa và 38,9km cấp phối) với nhiều tuyến đã được đầu tư đồng bộ như: đường Trường Chinh, Nguyễn Tất Thành... (thành phố Việt Trì), đường Hùng Vương (thị xã Phú Thọ) và các tuyến qua trung tâm huyện Thanh Ba, Thanh Sơn, Yên Lập... được kết hợp đầu tư với hạ tầng khu đô thị. Mạng lưới GT nông thôn có 10.880km, đã cứng hóa 70%, gồm 6.626km bê tông xi măng, 234km bê tông nhựa, 910km láng nhựa, 208km cấp phối và 2.902km đường đất. Trên địa bàn hiện có 13 bến xe khách (từ loại III - VI) phục vụ 161 tuyến đang khai thác, 09 tuyến xe khách nội tỉnh và có đủ hạ tầng phục vụ hoạt động của tuyến xe buýt từ trung tâm tỉnh đi đến các huyện, thị xã.
Để khai thác hiệu quả 05 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài 316,5km gồm 03 tuyến Trung ương (sông Hồng, sông Lô, sông Đà) và 02 tuyến địa phương (sông Chảy, sông Bứa), từ năm 2017, Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, hoạt động của các bến thủy dần đi vào nề nếp với 07 bến cảng, 41 bến khách ngang sông và bến hành khách (trên đầm Ao Châu) hoạt động hiệu quả.
Những năm qua, ngành GTVT Phú Thọ còn phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty Supe Phốt phát & Hóa chất Lâm Thao khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai (dài 75,025 km đi qua 44 xã, phường, thị trấn của 05 huyện, thành, thị) và tuyến đường sắt chuyên dùng từ Ga Tiên Kiên (2,9 km) với 8 ga trên tuyến chính và 01 ga Tiên Kiên phục vụ tốt việc vận tải hành khách, hàng hoá của người dân và doanh nghiệp..
Nhìn chung cho đến nay, cơ sở hạ tầng GTVT tỉnh Phú Thọ qua luôn được quan tâm đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa tốt hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng địa phương.
Nhiệm vụ giai đoạn mới
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Sở GTVT đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng Quy hoạch phát triển GTVT để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngành GTVT cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tập trung xây dựng mới các tuyến đường liên vùng và cải tạo, nâng cấp các tuyến hiện hữu nhằm kết nối thuận tiện với các tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai tại 05 nút lên xuống IC7, IC8, IC9, IC10, IC11; đường Hồ Chí Minh; quốc lộ 2, QL.32, QL.70B… và các cầu lớn bắc qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà; qua đó thu hút đầu tư phát triển các KCN Thụy Vân, Phù Ninh, Đồng Lạng, Phú Hà, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Tam Nông, các cụm công nghiệp, làng nghề và phát triển du lịch, dịch vụ ở các huyện Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tân Sơn, Việt Trì…
Cùng với việc xây dựng Việt Trì, thị xã Phú Thọ là đầu mối GT quan trọng; đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tuyến trục chính theo quy hoạch đô thị, Phú Thọ sẽ xây dựng, chỉnh trang hệ thống hạ tầng GT tại các trung tâm huyện lỵ và xây dựng mới một số tuyến đường tránh khu đông dân cư, kết hợp phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trước mắt là việc phối hợp chặt chẽ với tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để xây dựng hoàn thành đúng tiến độ tuyến cao tốc Phú Thọ-Tuyên Quang và cầu Vĩnh Phúc.
Tỉnh cũng tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng mới các bến xe theo quy hoạch, nâng cấp mở rộng các bến xe hiện có theo hướng hiện đại, thuận tiện; mở rộng khai thác các luồng tuyến vận tải nội tỉnh, liên tỉnh, đặc biệt vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng các bến cảng, bến thủy nội địa theo quy hoạch. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa.
Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ sẽ phối hợp ngành đường sắt tiếp tục thực hiện xóa bỏ các đường ngang dân sinh nhằm đảm bảo an toàn trên tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai; đồng thời tiếp tục đề nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ sớm triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và di chuyển tuyến đường sắt hiện tại tránh trung tâm thành phố Việt Trì; chú trọng khuyến khích phát triển vận tải bằng đường sắt, đường thủy nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI