Trong những năm qua công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lạng Sơn. Đến nay, có thể nói nguồn nhân lực tại Lạng Sơn đã sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 phát triển mạnh mẽ.
Tính đến nay toàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở tham gia lĩnh vực GDNN, trong đó có 04 trường cao đẳng, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm GDNN công đoàn, 03 trung tâm GDNN tư thục, 01 phân hiệu trường trung cấp cộng đồng, 02 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp tỉnh.
Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, có 11 trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố và Trạm khuyến nông tỉnh cũng tham gia công tác GDNN, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động hiện nay, mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư thiết bị đào tạo nghề. Trong giai đoạn I (2010-2015), có 10/10 huyện thành lập trung tân dạy nghề và được đầu tư thiết bị dạy nghề. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo cấp cơ sở, trung tâm dạy nghề huyện thường xuyên báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư cho dạy nghề và đề ra các giải pháp cụ thể để khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị được đầu tư. Thiết bị đào tạo tại các cơ sở GDNN cấp huyện được trang bị từ những năm 2010 - 2011 được đầu tư vào 02 nhóm nghề, đó là nghề nông nghiệp và nhóm nghề phi nông nghiệp.
Giai đoàn từ 2016 đến nay, thực hiện Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT – BLĐTBXH – BGDĐT – BNV ngày 19/10/2015 của liên bộ gồm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm GDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp cấp huyện thành trung tâm GDNN – GDTX, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện sáp nhập các trung tâm dạy nghề và trung tâm GDTX cấp huyện thành trung tâm GDNN – GDTX, đồng thời sáp nhập cả cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Giai đoạn từ 2016 – 2018, các trung tâm GDNN, trung tâm GDNN – GDTX các huyện cơ bản không được đầu tư mới về cơ sở vật chất. Toàn bộ các hạng mục nhà xưởng, phòng làm việc và lớp học của các cơ sở GDNN cấp huyện được đầu tư từ trước năm 2015. Các hạng mục như: Lớp học, khu nhà hành chính, xưởng thực hành… được chuyển giao theo Quyết định của UBND tỉnh đã được các cơ sở GDNN quản lý và sử dụng theo quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng tài sản công.
Từ năm 2019 đến nay, với nguồn kinh phí chương trình mục tiêu được phân bổ đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở GDNN, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lạng Sơn đã đầu tư cho 03 huyện Bình Gia, Đình Lập, Văn Lãng, các cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho dạy và học được nâng cao, phương tiện học tập phục vụ cho công tác dạy và học đang dần được quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Đến nay, các trung tâm cơ bản đã hoạt động ổn định và đang từng bước tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề sẵn có.
Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các chính sách liên quan đến xã hội hóa GDNN, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích khu vực tư nhân trong nước và ngoài nước đầu tư phát triển GDNN.
Tiếp tục mở rộng ngành nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, mạng lưới thương mại dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Xây dựng đề án sắp xếp cơ sở GDNN. Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN của tỉnh theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, hạn chế thành lập mới cơ sở công lập, khuyến khích thành lập các cơ sở tư thục, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, chú trọng đầu tư, phát triển các cơ sở GDNN tại các địa phương thuộc các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng kinh tế trọng điểm.
Có chính sách khuyến khích, huy động tối đa sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển GDNN dưới các hình thức như: Tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, làng nghề, liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để người học được thực tập nghề trong thực tiễn sản xuất, doanh nghiệp đóng góp kinh phí vào Quỹ hỗ trợ đào tạo nghề khi tiếp nhận lao động qua đào tạo nghề vào làm việc trong doanh nghiệp.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI