Sa Pa trước đây là một huyện vùng cao nằm ở phía tây tỉnh Lào Cai, có diện tích tự nhiên là 68.137,27 ha. Ngày 01/01/2020, Sa Pa chính thức trở thành thị xã với 10 xã và 6 phường. Từ một huyện miền núi nghèo, xuất phát điểm thấp, đến nay sau 30 năm tái lập tỉnh, thị xã Sa Pa đã trở thành một cực tăng trưởng của Lào Cai, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, du lịch.
Phát triển nhanh, toàn diện
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn thị xã Sa Pa tương đối cao, bình quân đạt 12,3%; giá trị sản phẩm/01 ha đất canh tác đạt 120 triệu đồng; thu ngân sách bình quân tăng 27%/năm, huy động vốn đầu tư đạt 59,242 nghìn tỷ đồng; lượng khách du lịch tăng bình quân 20%/năm.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, thị xã tiếp tục tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại thành ngành kinh tế trung tâm. Trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, kết hợp bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Ưu tiên các dự án quy mô lớn, dự án động lực và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế xã hội với Sa Pa nói riêng và vùng trung du miền núi phía Bắc, tỉnh Lào Cai nói chung; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch được phê duyệt...
Thị xã phấn đấu mức tăng trưởng vốn huy động đầu tư hàng năm tăng trên 15% với các công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, hạ tầng cao cấp, hiện đại, hấp dẫn. Đến năm 2045, ngoài trung tâm du lịch là khu vực đô thị hiện hữu, đầu tư hình thành 04 phân khu trung tâm du lịch gồm: Khu Tả Phìn, Khu Ngũ Chỉ Sơn, Khu Tả Van và Khu Thanh Bình.
Tiếp tục đầu tư và kêu gọi đầu tư, hoàn thiện các dự án trọng điểm về du lịch, hệ thống công viên, khu vui chơi giải trí hiện đại. Cụ thể: Dự án Cáp treo Fansipan giai đoạn 2; công viên văn hóa Mường Hoa; công viên văn hóa Sa Pa; dự án danh lam thắng cảnh Quốc gia núi Hàm Rồng; khu du lịch nghỉ dưỡng Tả Phìn; dự án nghỉ dưỡng tại khu vực Sâu Chua, quy hoạch đầu tư sân Golf tại Sa Pa,… Thu hút đầu tư xây dựng trung tâm thương mại và siêu thị hạng 1, phát triển khu kinh tế đêm Sa Pa; xây dựng tối thiểu 10 không gian công cộng phục vụ nhân dân và du khách. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ phục vụ phát triển du lịch đạt chuẩn các tiêu chí ASEAN.
Đồng hành cùng nhà đầu tư
Từ năm 2020 đến nay, thị xã Sa Pa phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh khai thác, quản lý quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây được xác định là căn cứ đặc biệt quan trọng để chính quyền địa phương triển khai những bước tiếp theo của quy hoạch các phân khu chức năng để thu hút các thành phần kinh tế đến đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Song song với đó, thị xã đang thực hiện mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Cụ thể thị xã đề ra các nhóm giải pháp: Cải cách thủ tục hành chính; Công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn; Tiếp cận nguồn lực đất đai; Khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Mặt khác, triển khai tốt quy hoạch mở rộng đô thị và thay đổi hẳn mô hình quản lý từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị là hai yêu cầu bức thiết mang tính đột phá để Sa Pa phát triển bền vững hơn, vươn tới mục tiêu trở thành một khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm vóc quốc tế.
Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Sa Pa hiện đã nhận diện rõ những khâu tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp để cải thiện, nâng cao năng lực quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh.
“Các cấp chính quyền và các phòng ban của thị xã luôn đồng hành, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp, nhà đầu tư; luôn cầu thị và lắng nghe những phản ánh, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Vương Trinh Quốc chia sẻ.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI