LÀO CAI

Cao su Dầu Tiếng - Lào Cai: Khắc phục khó khăn, đảm bảo đời sống người lao động

14:15:04 | 13/8/2021

Thực hiện chủ trương phát triển cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc, năm 2010, Công ty CP Cao su Dầu Tiếng - Lào Cai được thành lập, với nguồn vốn góp chủ yếu từ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và một số tổ chức, cá nhân khác.

Diện tích sản xuất của Công ty được sáp nhập từ 240 ha đất của Nông trường Cao su Hàm Rồng; đất của tỉnh Lào Cai giao và một số cá nhân, tổ chức góp vốn bằng đất. Tổng diện tích quản lý hiện nay là 1.469,12 ha (trong đó có khoảng 1.000 ha đất Nhà nước giao).

Từ năm 2011 đến năm 2015, Công ty tiến hành trồng lại toàn bộ diện tích đã được Nông trường Hàm Rồng trồng trước đây (giống cao su vùng Đông Nam Bộ chậm phát triển, không chịu được lạnh) và trồng mới diện tích được giao. Hiện nay, giống cây cao su chủ yếu được Công ty sử dụng canh tác là giống Trung Quốc, thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng Tây Bắc (độ dốc cao, lạnh).

Theo Giám đốc Công ty Phạm Hồng Việt, cây cao su sinh trưởng và phát triển khá tốt, đảm bảo theo kế hoạch. Năm 2020, đơn vị đã tiến hành khai thác trên diện tích 144 ha, thu hoạch 60 tấn mủ khô. Dự kiến trong năm 2021, Công ty sẽ tiến hành khai thác khoảng 400 ha, mục tiêu thu hoạch khoảng 200 tấn mủ khô; năng suất đạt 1,3 tấn/ha/năm.

Đến nay, Công ty đang tạo việc làm trực tiếp cho 140 cán bộ, nhân viên và người lao động, mức thu nhập bình quân khoảng 4,2 triệu đồng/người/tháng và sẽ cao hơn theo sản phẩm khi vào mùa thu hoạch mủ cao su.
Do từ khi thành lập đến nay, Công ty Cao su Dầu Tiếng - Lào Cai chủ yếu đầu tư cho cơ sở vật chất, hoạt động canh tác, tập huấn tay nghề cho người lao động… nên kết quả kinh doanh chưa có lãi, chủ yếu chi phí vẫn từ công ty mẹ nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sở ngành của tỉnh trong việc áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty từng bước có những tín hiệu đáng mừng.

Chia sẻ về đầu ra của sản phẩm, ông Phạm Hồng Việt cho biết: Hiện nay, do sản lượng khai thác chưa cao nên Công ty được phép bán mủ nguyên liệu chưa qua chế biến. Trong thời gian tới, khi năng suất, sản lượng khai thác tăng lên, Công ty sẽ bán sang nhà máy chế biến tại tỉnh Lai Châu (đang được xây dựng).

Ngoài ra, Tập đoàn VRG cũng đã có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại Lào Cai, nhằm phục vụ tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang và huyện Than Uyên (Lai Châu). Dự kiến, năm 2025, VRG sẽ tiến hành khởi công xây dựng nhà máy.

Nguồn: Vietnam Business Forum