LÀO CAI

Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội từ chuyển đổi số

12:13:10 | 13/8/2021

Chuyển đổi số (CĐS) tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. 


Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai – ông Vũ Hùng Dũng

Nắm bắt được xu hướng này, Lào Cai tận dụng những lợi thế sẵn có xây dựng các nền tảng cơ bản về hạ tầng, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để thực hiện CĐS nhằm tạo ra thay đổi trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, hướng đến Chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai – ông Vũ Hùng Dũng cho biết: Thực hiện Chương trình CĐS quốc gia, Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai đã dự thảo và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1634/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 phê duyệt Chương trình CĐS tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

​​​​​​​

Theo đó, quan điểm CĐS của tỉnh Lào Cai là: (1) Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của CĐS, xuất phát từ nhu cầu và mang lại giá trị cho người dân, DN. Ngay từ giai đoạn đầu của công cuộc CĐS, người dân, chính quyền, nhà chuyên gia và DN sẽ cùng tham gia và chung tay giải quyết các nhu cầu của người dân, của DN, của chính quyền. (2) Nhận thức đóng vai trò quyết định trong CĐS. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, DN cần cảm nhận, thấy rõ, nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của CĐS trước khi có hành động cụ thể, trong đó quan trọng nhất là nêu gương của các cơ quan Đảng, chính quyền và các đoàn thể, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. (3) Văn hóa số làm thay đổi cách thức làm việc của mỗi cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; thay đổi quy trình sản xuất của mỗi DN, hộ gia đình; thay đổi sinh hoạt của mỗi người dân. Hình thành nên các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số. (4) Các cơ quan nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, đưa ra "bài toán" ngay từ đầu để người dân, chính quyền, chuyên gia và DN cùng thống nhất giải pháp thực hiện. 

CĐS của tỉnh Lào Cai thực hiện dựa trên các trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính trong toàn hệ thống chính trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, xã hội, nâng cao sự hài lòng, chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo động lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Lào Cai nằm trong danh sách 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về CĐS.

Về phát triển Chính quyền số, Lào Cai phấn đấu 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước  được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật; 95% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng…

Ở mục tiêu phát triển kinh tế số, Lào Cai phấn đấu tỷ trọng kinh tế số của tỉnh thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu của vùng trung du, miền núi phía Bắc. 90% DN (DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh) ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 70% DN cung cấp dịch vụ tiếp cận và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng…

Đối với phát triển xã hội số, Lào Cai sẽ có hạ tầng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 40%; 50% người dân tiếp cận với các dịch vụ Chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh thông qua thiết bị di động thông minh; nằm trong danh sách 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng…
Ông Vũ Hùng Dũng cho biết thêm: Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm: Phát triển nền tảng cho CĐS; xây dựng Chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số; CĐS một số lĩnh vực trọng điểm.

Đồng thời, tỉnh Lào Cai quan tâm CĐS trong các lĩnh vực trọng điểm, địa bàn ưu tiên, đó là: CĐS trong các cơ quan khối Đảng; trong các lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa và Du lịch, Nông nghiệp và phòng chống thiên tai, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng - Giao thông vận tải, An ninh trật tự; phát triển khu Kinh tế cửa khẩu thành mô hình mẫu thông minh, mở rộng giao thương qua kết nối số; thí điểm CĐS toàn diện tại một số địa phương cấp xã, xây dựng mô hình thí điểm tổ dân phố và nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh…

Nguồn: Vietnam Business Forum