YÊN BÁI

Quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo vị thế thu hút đầu tư

10:27:47 | 6/4/2021

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái - ông Đoàn Hữu Phung, bên cạnh giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của địa phương, Yên Bái luôn khẳng định những “lợi thế mềm” của tỉnh về kiến tạo cơ chế chính sách thuận lợi; tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn; đồng hành, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư...

Ông đánh giá thế nào về công tác thu hút đầu tư của tỉnh Yên Bái trong 5 năm qua. Kết quả đạt được và những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới?

Để tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh, những năm gần đây, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được Yên Bái thực hiện khá hiệu quả. Tỉnh đã nỗ lực đổi mới, triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư linh hoạt, tập trung chủ yếu vào tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, năng động và minh bạch.

Trong đó, hoạt động tuyên truyền, quảng bá được chú trọng; các chương trình xúc tiến đầu tư được xây dựng và triển khai trên cơ sở bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác xúc tiến đầu tư được thực hiện tập trung đầu mối, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với các sở, ngành liên quan và các DN, nhà đầu tư; các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan được đơn giản hóa, giải quyết hiệu quả...

Cùng với đó, xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng được tỉnh đề cao, với việc tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đã và đang chuẩn bị đầu tư dự án tại tỉnh trong quá trình lập, trình dự án đề nghị cấp Quyết định chủ trương đầu tư; hoàn thiện các TTHC hành chính sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chủ trương đầu tư để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án (đặc biệt là các thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng...).

Với những nỗ lực đó, cùng với những chính sách thông thoáng, thuận lợi Yên Bái ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của các DN trong và ngoài nước với số lượng nhà đầu tư đến với tỉnh tăng nhanh qua các năm. Tính trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh có 285 dự án được cấp mới Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 52.788 tỷ đồng và 302,5 triệu USD. Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông - lâm nghiệp và thủy sản.

Riêng năm 2020, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 66 dự án với tổng số vốn đăng ký là 4.488 tỷ đồng và 2,08 triệu USD. Luỹ kế đến nay, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 520 dự án với tổng số vốn đăng ký 112.006 tỷ đồng và 381,83 triệu USD.

Một số tập đoàn, DN lớn như: Vingroup, TH, Sun Group, Euro Window, Hoa Sen, APEC, Alphanam, Cường Thịnh Thi, Bảo Lai... đã và đang thực hiện các dự án quy mô lớn và là lĩnh vực thế mạnh của Yên Bái. Đây sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu hút đầu tư của tỉnh vẫn còn gặp những hạn chế như: Thu hút đầu tư chưa xứng với tiềm năng, quy hoạch mới vẫn đang hoàn thiện; các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch nhưng chưa đồng bộ khiến các DN, nhà đầu tư còn e ngại; chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô, vốn đầu tư lớn, có hàm lượng công nghệ cao...

Đây là những vấn đề tỉnh sẽ khắc phục trong thời gian tới nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo đột phá trong thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực nào; quy mô và chất lượng các dự án ra sao, thưa ông?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra những giải pháp tạo đột phá trong thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Do vậy, việc thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh ưu tiên hướng đến các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế với những dự án hàm lượng công nghệ cao, ít tác động đến môi trường và tập trung vào các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh, cụ thể là:

Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp: Tập trung thu hút DN đầu tư vào sản xuất, nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản. Khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi hàng hóa tập trung theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ứng dụng công nghệ cao gắn với các trung tâm, cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ. Thu hút các dự án trồng rừng cây gỗ lớn gắn với chế biến; phát triển các vùng sản xuất hàng hóa sinh thái sạch, công nghệ cao. Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản.

Đối với lĩnh vực công nghiệp: Thu hút đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, ưu tiên các dự án sản xuất có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động của địa phương; các ngành công nghiệp chế biến sâu nông, lâm sản, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao, sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và lắp ráp sản phẩm cơ khí, điện tử, thiết bị y tế, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Cùng với đó phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản có giá trị kinh tế cao, tiết kiệm nguyên liệu; sản xuất vật liệu xây dựng chất lượng cao, vật liệu tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; Ưu tiên phát triển các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Đối với lĩnh vực du lịch - dịch vụ: Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng,... Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ du lịch mũi nhọn như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; trải nghiệm và khám phá; văn hóa, cộng đồng dân tộc; lịch sử, văn hóa tâm linh; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện… ở 04 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh.

Từ năm 2013 đến nay, chỉ số PCI của tỉnh Yên Bái tăng đều qua các năm. Ông có đánh giá gì về kết quả này và Sở Kế hoạch và Đầu tư đã, đang tham mưu tỉnh thực hiện các giải pháp nào nhằm tiếp tục cải thiện điểm số, gia tăng thứ hạng PCI trong thời gian tới?

Theo công bố của VCCI, trong 7 năm gần đây, tỉnh Yên Bái liên tục có sự bứt phá về điểm số và thứ hạng PCI. Cụ thể, từ vị trí 60/63 tỉnh, thành với 50,38 điểm năm 2013, tăng lên thứ 36/63 năm 2019 với 64,98 điểm, xếp thứ 5/14 tỉnh  Trung du miền núi phía Bắc và nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành khá toàn quốc và nhóm đầu khu vực miền núi phía Bắc. Trong đó, nhiều chỉ số thành phần tăng điểm mạnh và ổn định hàng năm.

Kết quả trên xuất phát từ nỗ lực thực hiện công tác CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC của tỉnh; môi trường kinh doanh được cải thiện chất lượng theo hướng thông thoáng, năng động và minh bạch. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được hoàn thiện, đồng bộ và có tính kết nối cao với các địa phương, nhất là qua tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Tỉnh cũng từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Mặt khác, tỉnh đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ DN, nhà đầu tư, nhất là nâng cao chất lượng tư vấn, hướng dẫn thủ tục cho DN. Cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, nỗ lực đẩy mạnh thu hút các DN, nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh được xây dựng, hoàn thiện.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cấp chính quyền và DN trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu là phòng, chống dịch Covid-19, đi đôi với thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Đó là những hành động thể hiện quyết tâm nhằm khẳng định sự cởi mở, hấp dẫn của Yên Bái đối với các DN, nhà đầu tư. Để phát huy những thành tựu trên nhằm tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2021 và các năm tiếp theo, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tham mưu ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Yên Bái năm 2021 và thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển DN;

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo PCI và các tổ công tác về: tháo gỡ khó khăn và khuyến khích phát triển DN, thu hút đầu tư; tuyên truyền giúp việc UBND tỉnh.

Nắm bắt sát sao công tác điều hành của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành qua mức độ hài lòng của DN.

Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu về môi trường, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh, những nội dung mà nhà đầu tư đang quan tâm như: tài nguyên, nhân lực và các chính sách... Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến đăng ký DN, đầu tư; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng tư vấn, hướng dẫn các thủ tục để người dân và DN dễ thực hiện và đảm bảo đầy đủ, đúng quy định.

Thứ ba, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư từ khi triển khai dự án cho đến hoàn thành và đi vào hoạt động.

Thứ tư, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thường xuyên đổi mới chương trình “Cà phê doanh nhân”, “Ngày thứ 7 cùng dân và doanh nghiệp” cũng như hội nghị gặp mặt, đối thoại để kịp thời nắm bắt, tiếp thu các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN, nhà đầu tư.

Những kết quả đạt được trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cùng sự quyết tâm, nỗ lực đồng hành, tăng cường gắn kết giữa DN với chính quyền sẽ là đòn bẩy cho công tác thu hút đầu tư năm 2021 và những năm tiếp theo của Yên Bái. Qua đó, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới về hợp tác đầu tư tại địa phương.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum