Năm 2021 là năm đầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Văn Chấn cùng nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các tổ chức, các thành phần kinh tế và nhân dân trong huyện cố gắng tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc.
Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh
Nhiệm kỳ 2015 -2020, Văn Chấn đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa có quy mô và sản lượng lớn, như: vùng lúa chất lượng cao 1.200 ha; vùng lúa nếp tan Tú Lệ 100 ha, sản lượng 450 tấn/năm; vùng cây ăn quả có múi 2.000 ha, sản lượng 10.000 tấn/năm; vùng quế 8.400 ha, sản lượng vỏ quế tươi hơn 7.500 tấn/năm; vùng chè nguyên liệu 4.950 ha, sản lượng chè búp tươi 54.000 tấn/năm.
Đến hết năm 2020, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (có hai xã đặc biệt khó khăn), vượt 3,6 lần so mục tiêu Đại hội. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 39,5% năm 2015, xuống còn 10,7% năm 2020, trung bình giảm 5,76%/năm.
Kinh tế của huyện tiếp tục có bước phát triển khá, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,8 lần so năm 2015. Một số sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản tiếp tục tăng cả về sản lượng và chất lượng, giữ vững thương hiệu trên thị trường. Văn Chấn có tỷ lệ hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chiếm 40% toàn tỉnh, hộ nông dân có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, chiếm 30% toàn tỉnh.
Ông Đặng Duy Hiển – Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, huyện Văn Chấn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương và những chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh, huyện sẽ triển khai các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện hiệu quả các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP”. Huyện đã tiến hành quy hoạch đất đai, phân vùng sản xuất và xây dựng các đề án hỗ trợ nông dân. Trong đó, tập trung khuyến khích phát triển diện tích cây quế, cây ăn quả có múi, chè Shan vùng cao và hỗ trợ nhân dân chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả. Cùng với đó là tích cực chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương hướng dẫn và vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất nông sản sạch, tăng cường liên kết, hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất tập trung nâng cao giá trị sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ các sản phẩm…, huyện hết sức quan tâm đào tạo cho nông dân, thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm.
Phát huy kết quả đạt được
Trong năm 2021, huyện Văn Chấn đề ra 36 chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh. Xác định đây là năm tăng tốc, bứt phá, tạo bước đà vững chắc cho những năm tiếp theo, huyện đã triển khai 4 nhóm giải pháp, bám sát 5 chương trình trọng điểm và 3 khâu đột phá triển khai thực hiện theo định hướng của tỉnh. Với 17 chỉ tiêu phát triển kinh tế, trong đó một số chỉ tiêu quan trọng như: Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 44.750 tấn, sản lượng chè búp tươi đạt 46.000 tấn, trồng mới trên 3.500ha rừng, tổng đàn gia súc chính đạt trên 120.500 con. Giá trị sản xuất công nghiệp từ 1.400 tỷ đồng trở lên, thu ngân sách nhà nước đạt 225,7 tỷ đồng. Thành lập mới từ 25 doanh nghiệp, 10 HTX và 130 tổ hợp tác sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,75%/năm….
Cùng với đó, huyện Văn Chấn tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí của 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, quan tâm đầu tư, hỗ trợ xã Thượng Bằng La và xã Tân Thịnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu có thêm 3 xã cán đích NTM, trong đó Tú Lệ là xã vùng thượng huyện, vùng cao đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện cán đích NTM trong năm 2021.
Huyện sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm đến các đối tác trong và ngoài tỉnh; tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đầu tư để phát huy được những tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp của huyện, kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp; quy hoạch, chăm sóc vùng nguyên liệu, bảo đảm sản lượng chất lượng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, phát huy tiềm năng về thủy điện; đẩy mạnh hoạt động khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2021 thành lập mới 25 doanh nghiệp, 10 hợp tác xã.
Để thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu đề ra, huyện đã xây dựng kế hoạch phân công chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ lãnh đạo trong đó rong đó huy động và quản lý có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, kết hợp với nguồn lực xã hội hóa từ các thành phần kinh tế, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn, xử lý nợ, tồn đọng thuế, tạo cơ chế đầu tư thông thoáng, xúc tiến thương mại. Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, thực hiện mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh”. Ưu tiên đầu tư nguồn lực để đồng bộ hệ thống hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tăng cường quản lý đất đai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, nhất là các xã trong lộ trình cán đích NTM, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021.
Trúc Linh (Vietnam Business Forum)