Sau 30 năm tái lập, tỉnh Lào Cai đã đạt được những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực “tam nông”.
Thành tựu lớn nhất của ngành nông nghiệp Lào Cai là duy trì quá trình tăng trưởng sản xuất với tốc độ nhanh trong thời gian dài, đóng vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 9 - 10%/năm trong những năm đầu tái lập tỉnh. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2020 trước diễn biến bất lợi của suy giảm kinh tế thế giới và sự bùng phát của các loại dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp vẫn duy trì tốc độ trên 6%/năm. Cơ cấu nội ngành cũng có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt. So với năm 1991 - 1992, tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 19,2% lên 52,49%; tỷ trọng trồng trọt giảm từ 80,8% xuống còn 47,51% năm 2020.
Thành tựu lớn thứ hai là đã đảm bảo an ninh lương thực. Trước năm 1990, lương thực bình quân đầu người trên địa bàn chỉ đạt khoảng 200kg/người/năm, tỷ lệ đói nghèo trên 70%. Sau khi tách tỉnh, phong trào thâm canh, tăng vụ, đưa giống mới vào sản xuất được quan tâm đẩy mạnh, năng suất các loại cây trồng được tăng lên rõ rệt. Năng suất lúa từ 2 - 2,5 tấn/ha/vụ những năm đầu 1990 đã tăng lên trên 6tấn/ha/vụ. Đặc biệt ngành Nông nghiệp tỉnh đã có bước đột phá trong việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lai tạo sản xuất được bộ giống mang thương hiệu Lào Cai như: LC 25, LC212, LC 270 đáp ứng trên 60% nhu cầu giống lúa lai trên địa bàn tỉnh. Sản lượng lương thực từ 91.133 tấn năm 2010 lên 341.790 tấn (tăng 250.657 tấn), lương thực bình quân đầu người tăng liên tục, đạt trên 450kg/người/năm 2020.
Thành tựu thứ ba là đã cơ bản xóa bỏ tình trạng sản xuất tự cấp, tự túc. Cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ. Các vùng sản xuất hàng hóa: lúa, ngô, chè, chuối, dứa… dần được hình thành. Nhờ áp dụng giống mới và kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nên chất lượng nông sản được nâng cao, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng nhanh, từ 6 triệu đồng/ha năm 1991 lên 80,1 triệu đồng/ha năm 2020. Chăn nuôi và thủy sản đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch chăn nuôi theo hướng tăng chất lượng, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, trang trại, sử dụng giống tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh... Thuỷ sản từ chỗ khai thác tự nhiên chuyển sang phát triển nuôi trồng thuỷ sản đa dạng, hiệu quả cao như nuôi cá nước lạnh, rô phi đơn tính, cá chép lai... Lâm nghiệp phát triển theo hướng xã hội hoá và bền vững, gắn xây dựng vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập từ rừng. Diện tích rừng được quản lý bảo vệ tốt, đặc biệt đã chuyển từ hoạt động khai thác là chính sang bảo vệ rừng tự nhiên, tăng cường giao khoán bảo vệ rừng, thực hiện chủ trương rừng có chủ nên rừng tự nhiên được khôi phục nhanh. Tỷ lệ che phủ rừng từ 18,2% năm 1991 lên trên 56,07% năm 2020. Sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra đã cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường trong tỉnh, có nhiều sản phẩm tiêu thụ ngoài tỉnh và xuất khẩu.
Tập trung đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tỉnh Lào Cai đã tạo bước phát triển đột phá cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. |
Thành tựu thứ tư là nông nghiệp đã tạo nhiều việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh: từ trên 70% năm 1991 xuống còn 8,46% năm 2020. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng đa dạng hoá ngành nghề, tăng tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ, giảm sản xuất thuần nông, một số làng nghề truyền thống được khôi phục. Đặc biệt trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tập hợp sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn NTM; bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã 15 tiêu chí. Thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI