HÀ NỘI

Hà Nội phân loại đánh giá sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021

20:22:46 | 2/11/2021

Ngày 2.11, Văn phòng điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 1, đợt 1 năm 2021 cho 2 huyện Hoài Đức và Quốc Oai.

Tham gia chương trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021 huyện Hoài Đức có 8 chủ thể với 22 sản phẩm gồm: Rau, củ, quả tươi; đồ ăn nhanh; sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả, gạo; sản phẩm thủ công mỹ nghệ...

Huyện Quốc Oai có 11 chủ thể tham gia phân hạng 31 sản phẩm thực phẩm bao gồm rau tươi, thịt gia cầm, và một số sản phẩm là thế mạnh của Huyện như miến dong, đồ thủ công mỹ nghệ…

Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhằm khẳng định chất lượng, thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế trên địa bàn thành phố nhằm thúc đẩy các chủ thể sản xuất kinh doanh cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn,  nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa, môi trường.

Phát biểu tại hội nghị, Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Trong đó xác định phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên. Mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất một trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP làng nghề. Để thực hiện mục tiêu trên, trong năm nay thành phố phấn đấu đánh giá được 400 sản phẩm OCOP, đến nay các quận, huyện, thị xã đăng ký được 541 sản phẩm.

Cũng tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố đề nghị các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP bám sát các tiêu chí đã được quy định để đánh giá sản phẩm một cách khách quan, công bằng. Các thành viên đánh giá cần xem xét hồ sơ nghiên cứu các tiêu chí liên quan đến sở, ngành của mình để tham gia, đóng góp ý kiến bổ sung cho các chủ thể những nội dung còn thiếu. Đối với, các chủ thể, đơn vị tư vấn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng minh sản phẩm mẫu để hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thực hiện nhiệm vụ bảo đảm chất lượng.

Bà Nguyễn Phi Thanh Vân, chủ thể sản phẩm bún gạo lứt và phở gạo lứt lần đầu tiên mang sản phẩm của mình tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Bà hy vọng, đây sẽ là cơ hội để khẳng định chất lượng sản phẩm của mình. Bà Vân chia sẻ:“Đây là cơ sở đánh giá về mặt chất lượng, thứ nhất là  khách quan trên giấy tờ pháp lý, thứ 2 là sản phẩm được xếp hạng OCOP, được hội đồng đánh giá thì khi mang ra thị trường sẽ tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Khi tham gia OCOP đầu tiên là sản phẩm sạch, sản phẩm của chúng tôi cũng phải đảm bảo 100% nguyên liệu sạch, không sử dụng phẩm màu, hóa chất, đặc biệt là gạo lứt, rau củ quả phải là nguồn nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quá trình sản xuất cũng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,đồng thời môi trường sản xuất xung quanh cũng phải đảm bảo tiêu chí xanh, sạch.”

Ông Nguyễn Phi Tiến, chủ thể của các nhãn hàng nước gừng xay, rượu gừng hạ thổ, gừng tươi, tinh dầu gừng, gừng mật ong (Công ty TNHH XNK Trí Đức) cho biết “Thông qua việc đánh giá, phân hạng của Hội đồng, các chủ thể cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí sản phẩm OCOP. Sản phẩm của chúng tôi mới phát triển từ năm ngoái, chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường nên về bao bì, hướng dẫn sử dụng chưa rút được nhiều kinh nghiệm, chúng tôi đang cải thiện lại về giấy phép đăng ký cơ sở để ứng dụng rõ ràng các đối tượng sử dụng sản phẩm hơn, lúc đó  khách hàng nhìn vào sản phẩm thì sẽ nhận biết nhanh hơn các ứng dụng cho từng sản phẩm.”

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Thành phố, Hội đồng đánh giá, phân hạng cũng xác định 2 nội dung quan trọng:“Thứ nhất, sau khi sản phẩm đã được công nhận thì sản phẩm duy trì, phát triển ra sao? Chúng tôi sẽ tổ chức những đoàn kiểm tra các chủ thể để xem các chủ thể có thực hiện nghiêm các yêu cầu không? Những chủ thể nào mà vi phạm thì chúng tôi tham mưu báo cáo Thành phố thu hồi lại giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Thứ hai là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi cũng xác định đây là vấn đề trọng tâm. Việc công nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các chủ thể phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương đồng thời nâng cao thu nhập ở nông thôn, thúc đẩy phát triển chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Một số các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đợt 1 năm 2021 của 2 huyện đạt điểm cao phù hợp với các tiêu chí xếp hạng 4 sao, có thể nâng cấp lên hạng năm sao như: Tranh thêu tứ bình của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kinh doanh thương mại tổng hợp Dương Liễu , các sản phẩm được chế biến từ gừng của Công ty TNHH Trí Đức, Bột ngũ cốc dinh dưỡng Min Min của Hộ kinh doanh nhà máy chế biến thực phẩm dinh dưỡng Min Min Việt Nam, các sản phẩm nhãn chín muộn của HTX Nông nghiệp Đại Thành…

Liên Bùi (Vietnam Business Forum)