Phát triển nguồn nhân lực chất lượng được xem là chìa khóa quan trọng để hội nhập quốc tế. Do vậy, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho phù hợp với với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được UBND tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm.
Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Lê Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Trị về vấn đề này.
![]() |
Để đáp ứng yêu cầu dạy và học nghề trên địa bàn tỉnh, mạng lưới cơ sở GDNN tại Quảng Trị hiện nay đã phát triển ra sao, thưa ông?
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn, những năm qua, công tác rà soát, sắp xếp và phát triển mạng lưới các cơ sở GDNN luôn được tỉnh Quảng Trị chú trọng theo hướng lấy hiệu quả đào tạo làm cơ sở chính, có quy mô hợp lý; sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở hoạt động không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; hợp nhất các cơ sở để nâng cấp hoặc giảm đầu mối các cơ sở GDNN trên cùng địa bàn. Đồng thời tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức... thành lập cơ sở GDNN và tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 24 cơ sở GDNN (02 Trường cao đẳng, 03 trường trung cấp, 09 trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên (GDTX) và 10 đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN). Chất lượng và hiệu quả GDNN đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Đào tạo từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, đào tạo lao động có trình độ tay nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các doanh nghiệp.
Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, vậy cụ thể các chính sách đó là gì?
Ngành LĐ-TB&XH đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn lao động, tuyển dụng lao động; đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ tay nghề,… phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp nhận lao động địa phương chưa qua đào tạo hoặc chuyên ngành đào tạo chưa phù hợp được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề theo quy định tại Điều 7, Nghị quyết số 105/2021/NQ-HĐND tỉnh ngày 30/8/2021 về ban hành quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Cụ thể đối với đào tạo nghề sơ cấp, dạy nghề dưới 03 tháng: Thực hiện theo quy định hiện hành của tỉnh; đối với đào tạo nghề trung cấp hoặc lao động sử dụng công nghệ kỹ thuật cao: hỗ trợ 2.000.000 đồng/01 lao động; đối với đào tạo nghề cao đẳng: hỗ trợ 4.000.000 đồng/01 lao động. Nguồn hỗ trợ được cấp từ nguồn kinh phí đào tạo hàng năm của tỉnh và hỗ trợ thông qua các cơ sở hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh, các chương trình, dự án, hoạt động đào tạo nghề của các đơn vị có liên quan. Về thời gian hỗ trợ: Dự án đang trong thời gian xây dựng cơ bản và trong 03 năm đầu kể từ ngày dự án đi vào hoạt động. Mỗi dự án chỉ được hỗ trợ 01 lần tối đa không quá 100 triệu đồng, mỗi lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo 01 lần trong suốt thời gian làm việc tại dự án sử dụng lao động cùng chuyên ngành đào tạo.
Để tiếp tục cải thiện chỉ số thành phần “Đào tạo lao động” trong xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đẩy mạnh đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, thời gian tới ngành LĐ-TB&XH Quảng Trị sẽ bám sát vào những giải pháp nào?
Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Bám sát định hướng về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020- 2025, triển khai thực hiện tốt các giải pháp nhằm đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.
Sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án, tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở GDNN; trong đó, ưu tiên cho các cơ sở GDNN phối hợp tốt với doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng lao động; chỉ đạo các cơ sở GDNN chú trọng tăng cường liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng với các doanh nghiệp. Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN sau khi được tổ chức, sắp xếp lại: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, các trường có ngành, nghề trọng điểm theo các cấp độ, một số trung tâm GDNN- GDTX cấp huyện.
Tăng cường tổ chức sàn giao dịch, giới thiệu việc làm tại tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người có nhu cầu việc làm tiếp cận giao dịch. Hàng năm, tổ chức đối thoại giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp nhằm rút kinh nghiệm trong công tác đào tạo nghề và ký kết văn bản hợp tác tuyển sinh, đào tạo và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp; tham mưu bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực…
Phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Công Thương và các địa phương tổ chức khảo sát tình hình sử dụng lao động tại các doanh nghiệp ở trong và ngoại tỉnh, xây dựng kế hoạch tổ chức “Hội nghị ký kết giữa các cơ sở GDNN và các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động”; chú trọng đào tạo có địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa về đào tạo nghề.
Cùng với đó, xây dựng các giải pháp tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc