Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân, đến nay Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã thu được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ, trở thành phong trào sâu rộng và là động lực trong xây dựng Nông thôn mới. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được triển khai hiệu quả góp phần nâng tầm các sản phẩm thế mạnh của tỉnh cả về chất lẫn lượng, từ đó giá trị gia tăng của sản phẩm cũng được nâng cao đáng kể, thu nhập và chất lượng đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Hiệu quả bước đầu
Với quyết tâm đưa các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương đến với Chương trình OCOP, thời gian qua tỉnh Kiên Giang đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách như: chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Trong phát triển sản phẩm OCOP, các cấp, ngành liên quan tích cực kêu gọi các chủ thể sản phẩm OCOP xác định rõ các nội dung trong xây dựng sản phẩm, không phát triển tràn lan, không lấy số lượng mà tập trung vào chất lượng với các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh. Đồng hành hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất thực hiện các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm, quy trình thực hiện các thủ tục đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo VietGAP, hữu cơ; triển khai Bộ tiêu chí đánh giá OCOP đến các chủ thể ở địa phương. Với sự chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát, kịp thời của các cấp, các ngành đã giúp các địa phương trong tỉnh thấy rõ hơn tiềm năng, thế mạnh, chủ động triển khai đúng hướng và có những chính sách, giải pháp phù hợp phát triển sản phẩm OCOP, nhất là việc bảo tồn, phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương.
Kết quả trong tháng 2/2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định công nhận 18 sản phẩm của 11 chủ thể thuộc Chương trình OCOP tỉnh Kiên Giang năm 2020, trong đó có 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 8 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Về cơ cấu sản phẩm, có 9 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 5 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ - trang trí, 3 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống và 1 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược. Cụ thể, như: Gạo Nàng Hương Kim Thiên Lộc, gạo lức đỏ Kim Thiên Ngọc của Hợp tác xã nông sản hữu cơ Rạch Giá (hạng 4 sao); nước mắm 30 độ đạm, nước mắm 40 độ đạm của Công ty CP Thương mại Khải Hoàn, Phú Quốc (4 sao); tụng bụng phình, túi xách cỏ bàng, sọt cỏ bàng của Hợp tác xã phụ nữ cỏ bàng Phú Mỹ, huyện Giang Thành (4 sao); mắm cá lóc của Hộ kinh doanh Tám Dô, xã Ngọc Thuận, huyện Giòng Riềng (3 sao); tiêu đen xay của hộ kinh doanh Ngô Hoàng Dũ, xã Thuận Yên, TP. Hà Tiên (3 sao)… Có thể nói, các sản phẩm OCOP của tỉnh phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, được thị trường chấp nhận, qua đó, đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nối tiếp thành công, cuối tháng 10 vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP đợt 1 - năm 2021. Theo đó toàn tỉnh có 13/15 huyện, thành phố đã tổ chức Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện với 29 chủ thể tham gia (9 công ty, 6 hợp tác xã, 14 hộ sản xuất kinh doanh). Về sản phẩm của các chủ thể tham gia có 40 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, 13 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí, 6 sản phẩm ngành đồ uống. Qua đánh giá hồ sơ, có 57/59 sản phẩm đạt yêu cầu, đủ điều kiện tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Kiên Giang, đợt 1- năm 2021.
Bên cạnh việc công nhận các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, trong tháng 10/2021 UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có Quyết định công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Kiên Giang lần thứ VI năm 2021. Theo đó, tỉnh đã công nhận và cấp giấy chứng nhận "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Kiên Giang lần VI năm 2021 với 143 sản phẩm, bộ sản phẩm. Trong đó, nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ có 28 sản phẩm; nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm có 99 sản phẩm; nhóm sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí có 11 sản phẩm; nhóm sản phẩm khác có 5 sản phẩm (găng tay, vỏ lãi, xuồng...).
Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại
Theo bà Nguyễn Duy Linh Thảo - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua Trung tâm đã hỗ trợ nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp làm các thủ tục pháp lý để các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm hàng hóa truyền thống đặc thù địa phương có nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu độc quyền; hỗ trợ nhiều sản phẩm hàng hóa danh tiếng của tỉnh có chỉ dẫn xuất xứ địa lý, sản phẩm hàng hóa gắn với nghề, làng nghề truyền thống, nông sản, thủy sản chủ lực cấp huyện, cấp tỉnh để được tổ chức tiêu thụ tốt.
Xác định rõ xúc tiến thương mại là khâu quan trọng trong chu trình OCOP nhằm đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng và để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu đặc trưng của từng khu vực, vùng miền và địa phương, Trung tâm chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thông qua các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế; các chương trình truyền thông, hội nghị, hội thảo, diễn đàn kết nối tiêu thụ; tổ chức các chương trình khảo sát, cập nhật thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm OCOP; vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh tại các cuộc hội chợ, triển lãm các tỉnh, thành phố cả nước để mở rộng thị trường, kết nối giao thương. Qua các đợt xúc tiến, các sản phẩm OCOP của Kiên Giang rất được người tiêu dùng yêu thích vì mẫu mã đa dạng, chất lượng vượt trội cũng như sự tận tâm hỗ trợ khách hàng khi cần thiết. Quan trọng hơn, thông qua các đợt xúc tiến đã góp phần tạo điều kiện cho các cơ sở OCOP có cơ hội quảng bá, giới thiệu, từng bước tạo dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị cho sản phẩm; đồng thời giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, hiểu và sử dụng sản phẩm chất lượng. Đây cũng là cơ hội để các sản phẩm OCOP Kiên Giang tiếp cận ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước khác.
Đánh giá tổng quan về Chương trình OCOP tại Kiên Giang, bà Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết đến nay chương trình đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết. Các sản phẩm OCOP đã bám sát yêu cầu của Chương trình OCOP, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm được các doanh nghiệp phân phối và thị trường chấp nhận, qua đó đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt sau khi được đánh giá, cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể tiếp tục đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm để được nâng cấp giấy chứng nhận sao trong thời gian tới. Tỉnh cũng đã tăng cường hỗ trợ tuyên truyền, xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú; tạo động lực để các chủ thể đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn; đồng thời tạo sự lan tỏa tích cực để Chương trình OCOP được tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Gắn Chương trình OCOP với phát triển du lịch nông thôn
Ngày 13/8/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã ký ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án Chương trình OCOP năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chính của Đề án là phát triển các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của từng địa phương để thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Kiên Giang sẽ tổ chức đánh giá, cấp giấy công nhận và phát triển ít nhất 120 sản phẩm mới và hiện có (bình quân 8 sản phẩm/huyện, thành phố) đạt 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm 5 sao cấp tỉnh và phấn đấu có ít nhất 10 sản phẩm được công nhận đạt 5 sao cấp quốc gia. Xác định 10 - 20 sản phẩm OCOP của các tổ chức kinh tế để tham gia các chuỗi giá trị tại các địa phương từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới để phát triển và thương mại hóa các sản phẩm truyền thống.
Cũng tại mục tiêu cụ thể thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang đặc biệt chú trọng vấn đề xây dựng và triển khai các dự án khai thác thế mạnh nông nghiệp (nông sản, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống…) kết hợp với phát triển du lịch của tỉnh. Theo đó ngày 6/9/2021 Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 2141/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương Đề án "Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Đối tượng nghiên cứu của Đề án gồm: du lịch nông thôn và Chương trình OCOP tỉnh Kiên Giang, cụ thể là các điểm du lịch và dịch vụ du lịch cộng đồng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, hộ gia đình đã đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền. Nhiệm vụ của Đề án nhằm nhận diện tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch nông thôn tỉnh Kiên Giang; nhận diện tiềm năng phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP của tỉnh; đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP tỉnh Kiên Giang; đồng thời đề xuất giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP của tỉnh.
Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP được thực hiện kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả giá trị bản địa nhằm khai thác tiềm năng về nông nghiệp, du lịch của tỉnh Kiên Giang theo hướng bền vững, góp phần thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới; quảng bá, nâng chất lượng và giá trị sản phẩm Chương trình OCOP.
Công Luận (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI