HỒ CHÍ MINH

Cục Hải quan Tp.HCM: Ứng phó linh hoạt với đại dịch, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

09:46:56 | 21/12/2021

Đầu năm 2021, đợt tái bùng phát dịch Covid - 19 lần thứ tư tiếp tục gây nên những tác động vô cùng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam. Là đơn vị có hoạt động thông quan hàng hóa XNK lớn trong khu vực, Cục Hải quan Tp.HCM đã căng sức đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sức khỏe và khôi phục sản xuất. Những nỗ lực của đơn vị đã góp phần quan trọng vào công cuộc  phục hồi và phát triển kinh tế của Thành phố sau chuỗi ngày lao đao vì dịch bệnh. Cùng tìm hiểu thêm thông qua nội dung trao đổi ngắn với ông Nguyễn Hữu Nghiệp -  Phó Cục trưởng, Cục Hải quan Tp.HCM. Văn Lượng thực hiện.

Thời gian qua, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Cục Hải quan Thành phố đã có những nỗ lực cụ thể nào nhằm đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo hoạt động XNK được thông suốt, thưa ông?

Ngay từ đầu tháng 7/2021, Tp.HCM đã phải đối diện với những thách thức chưa từng có: tình trạng bùng phát lây nhiễm Covid - 19 dẫn đến quá tải tại các bệnh viện, khu điều trị; tình trạng thiếu hụt thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu phòng, chống Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng diễn ra trên phạm vi rộng từ Tp.HCM cho đến toàn bộ khu vực miền Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Do chưa có tiền lệ nên hệ thống quy định pháp luật bộc lộ một số hạn chế như: thiếu cơ chế đặc thù về thuế và thủ tục nhập khẩu vắc-xin, thuốc đặc trị, vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu… cho các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp như đại dịch Covid-19; các thủ tục mang nặng tính hành chính gây phiền hà, chậm trễ. Chưa kể sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa gắn kết thông suốt và đồng bộ gây cản trở, gián đoạn hoạt động tiếp nhận hàng hóa viện trợ.

Trước tình hình trên, Cục Hải quan Tp.HCM đã động viên cán bộ công chức khắc phục khó khăn, làm việc thêm giờ, kiên cường nơi cửa khẩu để duy trì dòng chảy hàng hóa XNK cho DN; bố trí cán bộ làm việc theo ca, nhóm, làm việc "3 tại chỗ" vừa đảm bảo chống dịch và thông quan hàng hóa 24/7, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng; tận dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kiểm tra hàng hóa qua máy soi container, đơn giảm thủ tục hải quan, cho phép DN nộp chậm bản chính chứng từ nhập khẩu...

Cũng nằm trong mục tiêu chung bảo đảm dòng chảy thương mại thông suốt, không để gián đoạn chuỗi cung ứng cho sản xuất - tiêu dùng, đặc biệt đối với hàng hoá phục vụ cho công tác y tế, phòng chống dịch, Cục đã thông qua Quyết định 1080/QĐ-HQTp.HCM ngày 5/8/2021 thành lập Tổ phản ứng nhanh thông quan hàng hoá phòng, chống Covid-19 (Tổ 1080) và Tổ thường trực chống ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu (Tổ 1081). Việc thành lập tổ phản ứng nhanh của Hải quan Tp.HCM giữa lúc đại dịch căng thẳng đã giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho các DN cũng như các tổ chức, cá nhân sớm hoàn tất gấp thủ tục thông quan hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch.

Qua 2 tháng (8 và 9/2021) thực tế triển khai hoạt động, Cục Hải quan Tp.HCM đã ban hành hơn 20 văn bản trọng yếu liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý điều hành hoạt động XNK. Dự thảo công văn gửi UBND Tp.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cơ chế thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tham mưu lãnh đạo Tp.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù trong việc tiếp nhận hàng hoá viện trợ, tài trợ nhập khẩu phòng, chống dịch Covid-19. Chính phủ đã tiếp nhận kiến nghị và giao các Bộ liên quan xử lý, kết quả: Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ, phục vụ phòng, chống dịch covid -19; Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 13/2021/TT-BYT ngày 16/9/2021 quy định cấp số lưu hành, nhập khẩu trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách; Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 10135/BTC-TCHQ ngày 06/9/2021 hướng dẫn, trả lời đối với 3 nội dung kiến nghị của UBND Tp.HCM, đồng thời tiếp thu và đưa vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chính sách sách hàng hoá nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu Thủ tướng chấp thuận việc nhập khẩu ô tô cứu thương đã qua sử dụng từ nhận viện trợ không hoàn lại theo đề nghị của Thành phố tại công văn số 9041/BGTVT-KHCN ngày 30/8/2021.

Đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội, Cục Hải quan Tp.HCM đã giải quyết nhanh chóng thủ tục hải quan đối với 579 lô hàng nhập khẩu là vắc-xin, thuốc đặc trị, vật tư, sinh phẩm, kit thử nhanh covid -19, trang thiết bị chuyên dụng… phục vụ phòng, chống dịch covid -19; trong đó có 31 lô là hàng hóa do các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước viện trợ. Nhiều lô hàng viện trợ là vắc-xin, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống Covid-19 của các quốc gia (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Romania, Ba Lan...) vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất hay cập cảng Cát Lái đã được các cán bộ, công chức hải quan làm thủ tục thông quan ngay lập tức để bàn giao cho đơn vị tiếp nhận, kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.

Hiện nay cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, Tp.HCM vẫn đang tiếp nhận hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch; điều này đồng nghĩa với nhiệm vụ của Tổ 1080 và Tổ 1081 vẫn còn rất nặng nề. Tuy nhiên vượt lên trên mọi gian khó, tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động Cục Hải quan Tp.HCM quyết tâm phát huy vai trò tuyến đầu chống dịch, nỗ lực hết mình vì mục tiêu chung đảm bảo tốt nhất công tác phòng chống dịch và thông quan hàng hóa cho DN, bảo đảm dòng chảy thương mại thông suốt.

Bên cạnh nỗ lực đồng hành vượt khó cùng DN, công tác thông quan hàng hóa, chống buôn lậu và gian lận thương mại của đơn vị ghi nhận những "điểm sáng" đáng khích lệ nào, thưa ông?

Sau hơn 2 tháng Tp.HCM và các tỉnh phía Nam mở cửa đối với nền kinh tế, hàng hóa XNK qua các cảng biển Tp.HCM đang có chiều hướng gia tăng trở lại và dự báo tháng cuối năm sẽ gia tăng mạnh hơn. Lũy kế từ đầu năm  đến ngày 15/11/20021, Cục Hải quan Tp.HCM đã làm thủ tục thông quan cho trên 115 tỷ USD hàng hóa XNK, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt trên 49 tỷ USD, tăng 0,8% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 66,78 tỷ USD, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm 2020.

Với lượng hàng hóa tăng, kéo số thu ngân sách của Cục Hải quan Tp.HCM cũng tăng dần lên trong 2 tháng gần đây. Tính đến ngày 4/12/2021, Cục thu nộp trên 108.443 tỷ đồng, đạt 100,4% dự toán pháp lệnh (108.000 tỷ đồng), đạt 98,8% chỉ tiêu phấn đấu (110.000 tỷ đồng); tăng 12,5% (tăng tuyệt đối 11.793 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2020. Một số chi cục hải quan được giao chỉ tiêu thu ngân sách lớn đã về đích như: Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư đã thu đạt trên 22.000 tỷ đồng; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước đã thu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, với tổng số thu hơn 15.000 tỷ đồng.

Đạt được kết quả khả quan trên là do Cục Hải quan Tp.HCM đã chủ động có các biện pháp thích ứng, tạo thuận lợi cho DN XNK, thông quan hàng hóa. Cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN trong hoạt động xuất, nhập khẩu; bố trí làm việc “3 tại chỗ”, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để không gián đoạn hoạt động; đồng thời tăng ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình làm thủ tục, công tác quản lý điều hành. Chúng tôi kết nối với các DN trong lúc khó khăn nhất, không để ùn tắc, giải quyết kịp thời bằng nhiều hình thức. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, chúng tôi cũng tập hợp kiến nghị cơ quan trung ương và địa phương kết nối cùng tháo gỡ.

Song song với công tác tạo thuận lợi cho hàng hóa thông quan nhanh chóng, Cục Hải quan Tp.HCM còn chủ động triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ dòng hàng hóa XNK. Như đã biết, Cục Hải quan Thành phố quản lý địa bàn khá lớn với 11 đơn vị hải quan cửa khẩu và ngoài cửa khẩu, gồm cả cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế; tuyến sông Sài Gòn với chiều dài hơn 40 km, gồm 15 cảng lớn nhỏ với gần 200 hãng tàu biển đang hoạt động; gần 60 hãng hàng không đang khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất cùng hơn 50.000 DN trong cũng như ngoài nước thường xuyên hoạt động XNK… Điều đó cho thấy, mức độ phức tạp và khó khăn trong công tác quản lý nói chung, công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại nói riêng của Cục Hải quan Tp.HCM.

Nhận thức rõ điều này, ngay từ đầu năm lãnh đạo Cục đã lên phương án đấu tranh cụ thể, chỉ đạo các đơn vị triển khai có hiệu quả các Kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu của UBND Tp.HCM, Ban Chỉ đạo 389, Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Tp.HCM; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên tất cả các tuyến, trong đó tập trung vào hàng cấm (ma tuý, vũ khí...), hàng XNK có điều kiện, hàng bách hóa, hàng nhạy cảm phòng chống dịch Covid-19; giám sát chặt chẽ các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa chuyển cửa khẩu, quá cảnh và hàng gửi kho ngoại quan... Tăng cường tầm soát, nắm bắt, phát hiện phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại mới; lực lượng chuyên trách chống buôn lậu chủ động đấu tranh ngăn chặn, cảnh báo cho các đơn vị cửa khẩu biết, xử lý; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phát hiện và ngăn chặn kịp thời với các thủ đoạn xuất, nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ.

Ngoài việc chủ động chỉ đạo xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, phương án trọng điểm, địa bàn trọng điểm, DN và mặt hàng trọng điểm…, Cục cũng lập chuyên án chống buôn lậu cho giai đoạn cuối năm, đồng thời chủ động thu thập thông tin để có thể phát hiện và bắt giữ gọn ghẽ nhiều vụ vi phạm hơn. Với nỗ lực không mệt mỏi, tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2021, Cục Hải quan Tp.HCM đã phát hiện, bắt giữ 1.222 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 541.078,4 triệu đồng; trong đó đã xử lý vi phạm 1.170 vụ, phạt tiền 10.689,1 triệu đồng.

Bước sang năm 2022, trên cơ sở dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 có khả năng được kiểm soát, hoạt động trên tuyến hàng không sẽ tăng trở lại kèm theo nhiều rủi ro về lượng hành khách xuất nhập cảnh và hàng hóa XNK, chính vì vậy Cục Hải quan Tp.HCM sẽ tiếp tục tăng cường công tác trinh sát, theo dõi hành khách xuất nhập cảnh để kịp thời phát hiện ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy trên địa bàn cửa khẩu hàng không, góp phần đem lại môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và hạn chế tối thiểu tình trạng ngân sách nhà nước bị thất thu

Việt Nam nói chung - Tp.HCM nói riêng đã chuyển từ chiến lược "Zero Covid" sang sống chung với dịch. Vậy Cục Hải quan Thành phố sẽ triển khai những giải pháp trọng tâm nào để hỗ trợ DN giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh, thưa ông?

Thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cục Hải quan Tp.HCM sẽ tiếp tục góp sức mình vào công cuộc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 và phục hồi phát triển Thành phố năm 2022; đảm bảo hỗ trợ hiệu quả công tác phòng chống dịch. Kiện toàn nhân sự, nâng cao năng lực, khả năng phòng chống dịch, xây dựng nhiều kịch bản ứng phó mọi tình huống có thể xảy ra đều đảm bảo đủ số lượng công chức để duy trì và đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, hỗ trợ kịp thời các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, qua đó vừa duy trì chuỗi cung ứng không bị đứt gãy vừa góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo nguồn cung cho các bệnh viện, cơ sở y tế, phục vụ kịp thời công tác khám, điều trị bệnh cho người dân. Theo dõi và kiến nghị giải quyết dứt điểm những vướng mắc đã báo cáo các cấp, các ban ngành có liên quan trong thời gian qua.

Song song đó đơn vị cũng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng. Tăng cường kết nối, liên thông giữa hệ thống thông tin của Cục với các DN. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng DN…Triển khai các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Cục và các hệ thống thông tin phục vụ người dân, DN. Hoàn thiện kiến trúc phần mềm, cơ sở dữ liệu, giải pháp kết nối Hệ thống tích hợp theo dõi hàng hóa trực tuyến theo Đề án "Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái". Tham mưu xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa; đồng thời phối hợp, cung cấp số liệu liên quan phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, quản lý điều hành và chính sách của Chính phủ, các Bộ ngành trong tạo thuận lợi thương mại và công tác tuyên truyền trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum