BẠC LIÊU

Tập trung các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

10:24:54 | 15/3/2022

Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh Bạc Liêu tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời đề ra nhiều giải pháp phục hồi phát triển kinh tế.

Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu diễn biến hết sức phức tạp, tổng số ca mắc đến ngày 12/01/2022 là 33.244 ca. Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chủ động xây dựng kịch bản để ứng phó theo từng cấp độ dịch với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân đồng thời phục hồi phát triển kinh tế.

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, khi dịch bùng phát, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện thị triển khai hiệu quả các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội; đẩy mạnh công tác truy vết, khoanh vùng, lập chốt phong tỏa; tăng cường lấy mẫu tầm soát diện rộng trong cộng đồng; đảm bảo tiến độ tiêm chủng vaccine theo kế hoạch; thành lập các khu cách ly, điều trị các ca nhiễm trên địa bàn; thực hiện tốt yêu cầu quản lý, theo dõi, tư vấn, điều trị các ca nhiễm; chú trọng cải thiện và nâng cao công tác phối hợp về hỗ trợ y tế, thu dung điều trị từ tuyến dưới lên tuyến trên…

Quá trình tổ chức thực hiện, nhiều mô hình hay, cách làm mới đã xuất hiện, không ngừng được nhân rộng từ cấp tỉnh, huyện, đến phường, khu phố như: Mô hình “Khu phố, tổ dân phố an toàn, không còn Covid-19” nhằm thiết lập các khu vực an toàn, “Lấy mẫu xét nghiệm lưu động tại nhà cho người dân”, “Đội tiêm chủng lưu động và đội phản ứng nhanh”,... và phát huy hiệu quả. Việc bao phủ vaccine trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ cao, cụ thể với đối tượng trên 18 tuổi: Tiêm mũi 1 đạt 98,87%; mũi 2 đạt 96,46%; mũi 3 đạt 38,25%. Học sinh từ 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 là 88.269 trẻ; mũi 2 là 84.799 trẻ (tính đến tháng 1/2022).

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế thích ứng với diễn biến dịch Covid-19. Tỉnh Bạc Liêu quan tâm phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, coi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Đồng thời, chú trọng công tác thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án điện gió đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản, vật tư y tế… được đảm bảo; các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện tốt và kịp thời, nhất là các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Bạc Liêu đang trong tầm kiểm soát và hướng đến bình thường các hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo giữ vững tăng trưởng và thực hiện tốt an sinh xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Một số giải pháp nhằm mục tiêu đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững:

-Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế biển. Từng bước xây dựng, phát triển Bạc Liêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của khu vực; chú trọng phát triển nuôi tôm công nghệ cao.

-Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, nhất là dự án điện khí LNG Bạc Liêu; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu trong tỉnh tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của tỉnh.

-Tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; tăng cường kết nối du lịch Bạc Liêu với các trung tâm du lịch tại các tỉnh, thành nhằm tạo thương hiệu và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách để khôi phục và phát triển ngành du lịch của tỉnh theo hướng thích ứng, an toàn với dịch bệnh Covid-19.

-Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là việc cắt giảm thủ tục hành chính; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để cải thiện, nâng cao điểm số và thứ hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh.

Nguồn: Vietnam Business Forum