BẠC LIÊU

Hiệu quả từ mô hình sản xuất giống lúa ST24, ST25 ở Bạc Liêu

10:28:27 | 15/3/2022

Giống lúa, gạo ST24, ST25 do ông Hồ Quang Cua cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo đã khẳng định chất lượng và thương hiệu trên thị trường. Tại Bạc Liêu, ST24, ST25 đã được thí điểm từ năm 2020 cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.


Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng (áo sọc) cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều (áo xanh) tham quan mô hình sản xuất lươn giống tại Trại lươn giống Thành Được, xã Vĩnh Phú Đông

Năm 2020, nhằm mở rộng vùng liên kết sản xuất, đồng thời tìm kiếm giống lúa chất lượng cao thích ứng với điều kiện sản xuất tại tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 854/QĐ-UBND về “Xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất giống lúa ST24 và ST25 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”. Mô hình được triển khai trên vùng đất chuyên lúa 2 - 3 vụ/năm và vùng sản xuất tôm - lúa với mục tiêu canh tác giống lúa ST24, ST25 đạt năng suất, chất lượng; phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; tăng lợi nhuận trên cùng diện tích. Đồng thời tổ chức lại hình thức sản xuất theo cộng đồng, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ lúa ST24, ST25 với quy mô lớn, ổn định và bền vững.

Kế hoạch được tỉnh Bạc Liêu đề ra gồm: xây dựng mô hình thí điểm canh tác giống lúa ST24 trên đất lúa 2 - 3 vụ/năm quy mô 60ha, triển khai tại 5 huyện, thị xã: Vĩnh Lợi 10ha, Hòa Bình 10ha, Phước Long 15ha, Hồng Dân 15ha và Giá Rai 10ha; và phát triển mô hình canh tác giống lúa ST24 trên đất sản xuất tôm - lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A quy mô 3.500ha, triển khai tại 03 huyện, thị xã: Phước Long 1.557ha, Hồng Dân 1.570ha và Giá Rai 373ha.

Sau thời gian ngắn triển khai, đã đạt được một số kết quả như: Về xây dựng mô hình thí điểm canh tác giống lúa ST24 trên đất lúa 2 - 3 vụ/năm: Lúa ST24 trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, thích hợp với thổ nhưỡng địa phương, đặc biệt còn có khả năng phát triển tốt trên chân đất phèn. Bước đầu, so sánh với các giống lúa sản xuất đại trà trên địa bàn tỉnh hiện nay trên đất chuyên lúa như Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, OM18, … thì ST24 ít hoặc hầu như không nhiễm bệnh đạo ôn lá. Nông dân khi canh tác ST24 đã giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) 03 lần. Năng suất bình quân tại 5 mô hình/5 huyện, thị xã đạt 5 - 6,6 tấn/ha.

Về liên kết tiêu thụ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu đã vận động, mời gọi công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo nhằm xây dựng một chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất. Kết quả đã vận động được Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Thủy sản Bạc Liêu bao tiêu 25/60ha cho nông dân với giá 8.000 đ/kg, trong đó 15ha tại điểm Hồng Dân và 10ha tại điểm Vĩnh Lợi. Các địa phương còn lại gồm Hòa Bình, Phước Long và Giá Rai do không đạt được thỏa thuận thu mua giữa Công ty với nhóm hộ nên thống nhất bán cho thương lái theo giá thị trường với giá từ 6.000 - 6.500 đ/kg.

Về phát triển mô hình canh tác giống lúa ST trên đất sản xuất tôm - lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A: Giống lúa ST24, ST25 có khả năng thích nghi tốt trên chân đất canh tác tôm - lúa của 3 huyện, thị xã là Hồng Dân, Phước Long và Giá Rai, khả năng chịu mặn, chịu phèn tốt, dễ canh tác. ST24 còn có ưu điểm hơn so với các giống được nông dân canh tác trên đất tôm - lúa như Một bụi đỏ, OM 2517, OM 5451, BTE1 (F lai) là hầu như không xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại. Mặt khác, với bản lá đứng đặc trưng của giống cũng hạn chế được sâu cuốn lá gây hại nên bước đầu cho thấy thích hợp canh tác trên vùng đất tôm - lúa phía Bắc Quốc lộ 1A. Qua quá trình canh tác cho thấy, tổng chi phí của ruộng mô hình thấp hơn so với ruộng đại trà 1,7 triệu đồng/ha. Với năng suất ước đạt trung bình 6 tấn/ha, giá bán 7.000 đồng/kg, cao hơn lúa Một bụi đỏ (giá 6.500 đồng/kg) cho hiệu quả cao hơn 4,7 triệu đồng/ha”.

Với mô hình trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ giống, xây dựng một hệ thống kết nối thu mua và bao tiêu sản phẩm ổn định, giúp cho nông dân an tâm sản xuất để đạt hiệu quả cao.

Được biết, hiện tỉnh Bạc Liêu cũng kết hợp trồng lúa với nuôi tôm càng xanh tạo thêm thu nhập. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hình thức cộng đồng với khối lượng hàng hóa lớn và tập trung, giúp nông dân tạo ra được sản phẩm chất lượng cao, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường và doanh nghiệp thu mua. Hình thành chuỗi liên kết cung ứng và bao tiêu sản phẩm vùng sản xuất tôm - lúa tại tỉnh Bạc Liêu theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới tạo dựng thương hiệu “Lúa thơm - Tôm sạch”.

Nguồn: Vietnam Business Forum