Được đánh giá là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thời gian qua Bắc Ninh đã chứng tỏ sức hấp dẫn của mình khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đến lập dự án đầu tư kinh doanh. Đóng góp vào thành công này có phần không nhỏ của BQL các KCN Bắc Ninh, đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn. Phóng viên Vietnam Business Forum đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng BQL các KCN tỉnh Bắc Ninh xung quang chủ đề này. Ngô San thực hiện.
Xin ông cho biết thực trạng phát triển và kết quả thu hút đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện nay?
Lũy kế đến hết năm 2021, tỉnh Bắc Ninh có 16 KCN tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển với tổng diện tích 6.397,68ha; Có 10/16 KCN đã đi vào hoạt động trong đó 9/10 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn về môi trường; 15 KCN đã được thành lập. Tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt xấp xỉ 53,57 %.
Về công tác quản lý đầu tư, trong năm 2021, cấp mới 125 dự án đầu tư thứ cấp (FDI: 84 dự án; trong nước: 41 dự án) với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh 1.813,532 triệu USD (FDI: 1.433,462 triệu USD; trong nước: 9.155,62 tỷ đồng tương đương 398,07 triệu USD). Trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn đến từ các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc…
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp KCN đạt kết quả cao, vượt mức kế hoạch đề ra, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của toàn tỉnh. Giá trị SXCN đạt 1.259.210 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,5 tỷ đô la Mỹ; Nộp ngân sách ước đạt 12.530 tỷ đồng chiếm 40,27% số thu ngân sách toàn tỉnh…Các KCN sử dụng 337.272 lao động. Thu nhập bình quân chung của người lao động là 8,750 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến năm 2022 lao động trong các Khu công nghiệp Bắc Ninh tăng khoảng 15.000 -20.000 lao động.
Để đạt được những kết quả ấn tượng này trong giai đoạn bệnh dịch khó khăn thực sự không đơn giản. BQL đã có những giải pháp gì nhằm đồng hành, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất-kinh doanh cho các DN?
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban đặc biệt quan tâm tới công tác phòng chống dịch. Ban đã phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch điều hành hoạt động của 40 tổ công tác hướng dẫn, hỗ trợ Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại các DN, trong năm số doanh nghiệp đã được kiểm tra, hướng dẫn về công tác phòng chống dịch Covid-19 là: 1.292 lượt doanh nghiệp trên 1.150 doanh nghiệp đang hoạt động. Bên cạnh đó, Ban cũng phối hợp với Sở Y tế tổ chức 03 cuộc hướng dẫn, tập huấn qua mạng mỗi cuộc có gần 1.000 DN than dự. Đồng thời tổ chức hướng dẫn phân luồng, cách ly, xét nghiệm cho người lao động đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả tình hình, diễn biến của dịch COVID-19”; Xây dựng kế hoạch rà soát, tổ chức triển khai tiêm phòng vắc-xin cho người lao động tại các DN…
Cùng với đó là các giải pháp tích cực cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả. Trong năm 2021, Ban đã tiếp nhận 9.648 hồ sơ giải quyết TTHC theo có chế một cửa tại TTHCC. Trong đó, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến 6.074 hồ sơ, chiếm 63%; hồ sơ trả sớm và đúng hạn đạt tỷ lệ 72,5%; số yêu cầu bổ sung là 865 hồ sơ;… Tiếp và làm việc với trên 100 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư vào các KCN Bắc Ninh với nhiều biên bản, chương trình hợp tác đã được ký kết, tạo động lực mới cho sự phát triển....
Hạ tầng KCN là yếu tố quan trọng góp phần gia tăng sức hút đầu tư. Vậy thời gian qua công tác đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng tại các KCN được Ban chú trọng ra sao?
Xác định quy hoạch xây dựng và phát triển các KCN là khâu đột phá để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại. Để tạo dư địa thu hút đầu tư mới, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các KCN: Yên Phong II-B, Thuận Thành I, Gia Bình I, Gia Bình II, Quế Võ II - giai đoạn 2 đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB và khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Các chủ đầu tư hạ tầng các KCN: Đại Đồng - Hoàn Sơn (giai đoạn 2), KCN Yên Phong mở rộng, KCN Quế Võ III (giai đoạn 1), KCN Quế Võ II (giai đoạn 1), KCN Hanaka, KCN Thuận Thành II, KCN Thuận Thành III - Phân khu B, Nam Sơn-Hạp Lĩnh… đang đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN theo quy hoạch được duyệt và tổ chức nghiệm thu công trình hạ tầng đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, BQL cũng đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN, đảm bảo kết nối và đáp ứng kịp thời tiến độ đầu tư trong các KCN, vừa tạo điều kiện thuận lợi, vừa tạo diện mạo mới, hấp dẫn các nhà đầu tư, góp phần tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của Bắc Ninh trong thời gian tới.
Có thể nói, với nỗ lực không ngừng của Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh và của nhà đầu tư hạ tầng KCN trong việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các KCN đồng bộ và hiện đại, đến nay, Bắc Ninh đã và đang trở thành một “địa chỉ vàng” của các nhà đầu tư.
Ông có thể cho biết những mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới?
Năm 2022 BQL các KCN tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu thu hút 105 dự án thứ cấp đầu tư vào các KCN, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng khoảng 1,15 tỷ USD, trong đó 85 FDI dự án với tổng vốn 1 tỷ USD và 20 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 1.300.000 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 37 tỷ USD; giá trị nhập khẩu 25,5 tỷ USD; thu ngân sách thông qua các khoản thuế đạt 12.500 tỷ đồng...
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, Bắc Ninh kiên định thực hiện các tiêu chí: "hai ít; ba cao; năm sẵn sàng và một không". (Hai ít là ít sử dụng lao động, ít sử dụng đất. Ba cao là suất vốn đầu tư cao, hiệu qủa kinh tế cao và công nghệ cao. Năm sẵn sàng là: sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch; một không là không ô nhiễm môi trường). |
Để hoàn thành những mục tiêu này, Ban quản lý các KCN tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tích cực cải cách thủ tục hành chính; tập trung đẩy mạnh triển khai số hóa, chuyển đổi số gắn với xây dựng, vận hành hệ thống thông tin quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình dự án trọng điểm, tiến độ giải phóng mặt bằng, chỉ đạo khởi công các khu công nghiệp mới được thành lập, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư lựa chọn.
Thứ ba, tích cực sáng tạo linh hoạt trong hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, chủ động từ mở cửa sang gõ đúng cửa, xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, thu hút dự án lớn có tính chất lan toả.
Thứ tư, tăng cường, rà soát kiểm tra, giám sát; tiếp nhận và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư.
Thứ năm, hỗ trợ cung ứng lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng.
Thứ sáu, tăng cường công tác bảo vệ môi trường.
Thứ bảy, tổ chức phát động các phong trào thi đua và khen thưởng cho doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc