HÀ NỘI

Hà Nội: Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể

18:04:03 | 18/2/2022

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực Kinh tế tập thể (KTTT) đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường.

Tháo gỡ khó khăn.

Hà Nội là một trong số ít các địa phương trong cả nước có tốc độ phát triển hợp tác xã (HTX) nhanh cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh việc giải quyết việc làm cho người lao động, HTX còn giữ vai trò bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, cung ứng vật tư nông nghiệp... giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Hà Nội hiện có 1.393 tổ hợp tác, trong đó có 1.254 tổ hợp tác nông nghiệp, 139 tổ hợp tác phi nông nghiệp. Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quy mô và nội dung hoạt động đa dạng. Tính đến ngày 31-12-2021, toàn thành phố có trên 2.200 hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân, tăng 143% số hợp tác xã so với thời điểm ngày 31-12-2008 với 602.000 thành viên tham gia.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của thành phố, tiếp tục phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: thành phố đã phát động phong trào thi đua "Ðổi mới, phát triển các HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM". Phong trào đã lan tỏa đến 18 huyện, thị xã và năm quận, với kết quả rất đáng ghi nhận khi ngày càng có nhiều giám đốc HTX, có năng lực, tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn xây dựng phương án tổ chức sản xuất và kinh doanh đáp ứng với cơ chế thị trường. Nhiều HTX có số lượng thành viên với quy mô vừa (dưới 1.000 thành viên), hoạt động dịch vụ đa dạng (tối đa 10 đến 12 dịch vụ) phục vụ thành viên HTX và dịch vụ truyền thống cho nông dân tại địa phương, từ đó góp phần nâng cao thu nhập thành viên…

Ðể phát huy được hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn 2021 - 2025, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh cần phát triển các HTX chuyên ngành, các HTX toàn xã, từ đó thúc đẩy liên kết, gắn sản xuất với chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Còn theo Chi Cục trưởng Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, trong giai đoạn tới, nếu chỉ dừng lại ở kinh tế hộ, sản xuất truyền thống thì sẽ không có động lực phát triển. Do đó, cần tập trung nguồn lực phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các cánh đồng chuyên canh và đẩy mạnh cơ giới hóa.

Tạo động lực KTTT phát triển

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ, ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thực tế những năm qua cho thấy, kinh tế tập thể đã có bước phát triển mới cả về chất và lượng, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, đồng thời khẳng định những tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình hợp tác xã kém hiệu quả sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Với quan điểm kinh tế tập thể, kinh tế HTX vẫn là xu hướng khách quan, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế tất yếu và quan trọng trong các thành phần kinh tế của Thủ đô. Đồng thời, kinh tế tập thể, kinh tế HTX không những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, mà còn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định chính trị-xã hội, an ninh trật tự, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Chính vì vậy, phát triển 2 loại hình kinh tế này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cần được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể.

Theo đó, Hà Nội sẽ nỗ lực, tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội, tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế Thủ đô. Phấn đấu kinh tế tập thể, kinh tế HTX đóng góp với tỉ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế, góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu các ngành kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó là phát triển đa dạng với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có hiệu quả ngày càng cao. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế HTX kiểu mới phù hợp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để các HTX chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ vận động, hướng dẫn thành lập mới khoảng 100 tổ hợp tác; 100 HTX/năm, nâng tổng số HTX đến năm 2025 là 2.498 đơn vị; đến năm 2030 là gần 3.000 HTX. Trong đó, phấn đấu ít nhất 80% HTX hoạt động đạt loại tốt, khá, đạt doanh thu bình quân 3,525 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Thành lập mới khoảng 7 liên hiệp HTX; xử lí dứt điểm các HTX ngừng hoạt động và chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Để đạt được các mục tiêu Hà Nội cần có chủ trương, chính sách mới để nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong đó, cần đánh giá thực chất hiện trạng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã để phân loại và giải thể các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển hợp tác xã, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực mà xã hội đang cần. Chi Cục trưởng Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.

*Bài viêt có sự phối hợp của Chi cục phát triển Nông thôn Thành phố Hà Nội.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)