Thời gian qua, Bưu điện Hậu Giang đã không ngừng đổi mới cung cách phục vụ, nâng cao chất lượng các dịch vụ, sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất… Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển, tạo niềm tin, sự gắn bó của khách hàng đối với đơn vị.
“Cánh tay nối dài” của cơ quan nhà nước
Hiện nay, Bưu điện tỉnh Hậu Giang có 101 điểm phục vụ với 84 điểm có người phục vụ và 17 thùng thư công cộng. Mạng lưới phủ rộng khắp từ trung tâm tỉnh đến địa bàn các xã với 3 lĩnh vực hoạt động chính: Bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch nhưng Bưu điện tỉnh vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Doanh thu tính lương đạt trên 35 tỷ đồng; năng suất lao động đạt 141,5 triệu đồng/người/năm. Bưu điện tỉnh cũng đã duy trì và đảm bảo an toàn thông tin, chất lượng các dịch vụ, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn.
Phát huy vai trò là “cánh tay nối dài”, “bộ mặt” của cơ quan nhà nước, tại tất cả các điểm phục vụ thuộc Bưu điện tỉnh đều thực hiện cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), niêm yết, công khai quy trình tiếp nhận, mức giá; tuyên truyền để người dân sử dụng.
Bưu điện tỉnh cũng đã bố trí 02 nhân viên thực hiện tiếp nhận hồ sơ cho 04 sở, ngành và trả kết quả giải quyết TTHC cho 17 sở, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, bố trí 01 nhân viên/01 điểm tại bộ phận một cửa cấp huyện tại Châu Thành A và TX.Long Mỹ; bố trí 01 nhân viên thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả cho các thủ tục thuộc 6 lĩnh vực tại bộ phận một cửa huyện Châu Thành; tại 10 điểm chuyển giao cấp xã, mỗi điểm bưu điện – văn hóa xã (BĐ-VHX), Bưu điện tỉnh bố trí 01 nhân viên/01 điểm.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng đã bố trí các điểm chuyển giao hành chính công qua hệ thống Bưu điện các cấp để vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí, vừa vận hành có hiệu quả phục vụ tốt nhất cho người dân, tổ chức. Dự kiến trong quý II/2022, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Hậu Giang đặt tại Bưu điện tỉnh sẽ bắt đầu đi vào hoạt động.
Nâng cao hiệu quả dịch vụ bưu chính công ích
Hậu Giang đang phấn đấu số hóa hồ sơ hành chính tại cấp tỉnh đạt 50%, huyện 40%, xã 30%. Đặc biệt sẽ giảm thời gian chờ đợi làm thủ tục của người dân, doanh nghiệp xuống tối đa là 30 phút.
Bám sát mục tiêu này, Bưu điện tỉnh đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và trang thiết bị hiện đại để đảm bảo từng bước thực hiện kế hoạch phi địa giới hành chính trong lĩnh vực hành chính công. Đơn vị cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan để số hóa dữ liệu trên môi trường mạng nhằm góp phần thực hiện thành công Đề án Chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 152/QĐ-BĐVN-HĐTV của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam về Phê duyệt đề án “Phát triển BĐ-VHX gắn với hoạt động phục vụ cộng đồng”, Bưu điện tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của các điểm BĐ-VHX. Các điểm BĐ-VHX xuất sắc được đẩy mạnh, qua đó góp phần khang trang hệ thống điểm BĐ-VHX, nâng cao chất lượng dịch vụ tại địa bàn nông thôn.
Năm 2022, Bưu điện tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu phấn đấu tổng doanh thu đạt hơn 125 tỷ đồng; doanh thu tính lương 45,5 tỷ đồng; năng suất lao động đạt 163,3 triệu đồng/người. |
Theo ông Phạm Giang Sơn, Giám đốc Bưu điện tỉnh Hậu Giang, việc tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết TTHC doanh nghiệp bưu chính công ích (BCCI) đã góp phần gia tăng năng suất, chất lượng công việc tại bộ phận một cửa; giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức, tạo điều kiện tinh giản biên chế. Đồng thời, tiết kiệm chi phí; nâng cao chỉ số cải cách hành chính của địa phương và đem lại sự thuận tiện, chu đáo cho người dân khi sử dụng dịch vụ.
Thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ngành; UBND các huyện/thị xã/thành phố lựa chọn những thủ tục để thực hiện chuyển giao sang Bưu điện. Ngoài ra, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hậu Giang, Đài truyền hình tỉnh… tuyên truyền dịch vụ rộng rãi đến người dân, quan tâm và sử dụng dịch vụ BCCI. Chủ động tìm kiếm các đối tác mới nhằm đẩy mạnh dịch vụ BCCI trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
“Việc niêm yết, công khai giá cước dịch vụ, quy trình nhận, gửi hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các điểm bộ phận một cửa được chuyển giao sang Bưu điện là một nhiệm vụ quan trọng, được chú trọng và nghiêm túc triển khai”, Giám đốc Phạm Giang Sơn khẳng định.
Nguồn: Vietnam Business Forum