PHÚ YÊN

Ngành Giao thông Vận tải: Nỗ lực kết nối, khơi dậy tiềm năng

14:52:14 | 21/9/2022

Thời gian qua, ngành Giao thông Vận tải (GTVT) Phú Yên đã tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, tăng cường kết nối tiềm năng, nguồn lực đưa Phú Yên ngày càng phát triển. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên.

Xin ông cho biết tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT tỉnh trong năm 2022?

Năm 2022, ngành GTVT Phú Yên tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương kịp thời đưa Dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa bàn tỉnh khởi công đúng tiến độ. Đồng thời tập trung đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông quan trọng như: Đường tỉnh theo quy hoạch được duyệt (ĐT.644; ĐT.648; ĐT.650;...), đường từ cảng Bãi Gốc (KKT Nam Phú Yên) kết nối QL.1 đi KKT Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).

Ngoài ra, ngành cũng dồn lực để hoàn thành chương trình bê tông hoá giao thông nông thôn giai đoạn 2017 - 2020 (các xã miền núi theo Nghị quyết số 60/NQ-HĐND của HĐND tỉnh).

Bên cạnh đó, ngành GTVT tỉnh đang đẩy nhanh lập phương án phát triển tuyến đường bộ ven biển đoạn từ QL.1 (Miếu Ông Cọp) đến ngã ba Độc Lập - Lê Duẩn nối dài; đồng thời huy động nguồn lực nâng cấp, khai thác hiệu quả Cảng Vũng Rô; thu hút đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc và hạ tầng logistics; bến thủy nội địa;... và nghiên cứu phát triển một số tuyến hàng hải ven bờ phục vụ du lịch đường thủy, vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, tiếp tục tập trung nguồn lực nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách; chuẩn bị điều kiện đón các chuyến bay quốc tế; lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tuy Hoà với công suất 5 triệu lượt khách/năm.

Theo ông, sự phát triển hạ tầng GTVT của tỉnh hiện sẵn sàng ra sao nhằm kết nối tiềm năng, lợi thế; đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư?

Đến nay, mạng lưới GTVT của Phú Yên đã phát triển cơ bản đầy đủ, đa dạng các loại hình từ đường bộ, sắt, thủy nội địa, biển và hàng không.

Cụ thể, hệ thống đường bộ được đầu tư, nâng cấp cơ bản thông suốt giữa các khu công nghiệp, đô thị; kết nối Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các địa bàn trong tỉnh và khu vực. Đặc biệt, Phú Yên đã phối hợp triển khai và đưa vào sử dụng Hầm đường bộ Đèo Cả, Hầm đường bộ Đèo Cù Mông và nâng cấp mở rộng QL.1 kết nối với 2 tỉnh Khánh Hòa, Bình Định tạo liên kết vùng, phát triển kinh tế biển.

Đặc biệt, trong giai đoạn tới, đường cao tốc Phú Yên- Tây Nguyên, đường từ cảng Bãi Gốc nối QL.1 đi KKT Vân Phong chuẩn bị triển khai sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, góp phần hình thành cụm cảng Vân Phong - Bãi Gốc, một “ngõ chính” ra biển Đông của vùng Tây Nguyên.

Ngoài ra,  Phú Yên có 95km đường sắt qua với 08 ga, 120 điểm giao cắt đồng mức với đường bộ.

Về hàng không, Khu hàng không dân dụng Cảng hàng không Tuy Hòa công suất hơn 550 nghìn lượt khách/năm được đầu tư khai thác từ năm 2013, phục vụ 02 tuyến bay Tuy Hòa – TP.Hồ Chí Minh; Tuy Hòa - Hà Nội. Những năm qua, tỉnh đã nâng cấp, cải tạo nhằm phục vụ mở rộng đường bay quốc tế.

Về đường biển, Phú Yên có chiều dài bờ biển 189km, Cảng Vũng Rô kết nối và liên thông với nhiều tuyến giao thông quan trọng nối liền các tỉnh Tây, Nam Trung Bộ, khu vực Đông Bắc Campuchia và Nam Lào; đồng thời gần đường hàng hải quốc tế nên Phú Yên ngày càng định hình rõ nét vai trò “cửa ngõ” ra biển Đông.

Bên cạnh đó, hiện UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa tạm thời tỉnh Phú Yên, làm cơ sở để kêu gọi đầu tư phát triển mạng lưới giao thông thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.


Đường ven biển tỉnh Phú Yên

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã cân đối 4.905 tỷ đồng để hoàn thành 03 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước và khởi công 03 dự án mới trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Theo ông, việc bố trí nguồn vốn này đã đáp ứng ra sao so với yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn?

Trước đây, Sở GTVT đã nhiều lần tham mưu UBND tỉnh, đoàn Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm xem xét đầu tư các tuyến: QL.19C đoạn tránh qua thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, QL.25 đoạn còn lại và QL.29 qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Vì vậy, việc Bộ GTVT cân đối 4.905 tỷ đồng để hoàn thành 03 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước (QL.25 các công trình thiết yếu đường sắt đoạn Vinh - Nha Trang và cải tạo cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Thống Nhất) và khởi công 03 dự án mới (cao tốc Bắc - Nam phía Đông các đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong; cải tạo, nâng cấp đường sắt đoạn Vinh - Nha Trang) trên địa bàn tỉnh là phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông của Phú Yên trong giai đoạn hiện nay.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng, hiệu quả công tác CCHC của ngành GTVT những năm qua?

Những năm qua, Sở GTVT luôn quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với CCHC, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ như: Cấp, đổi giấy phép lái xe; phù hiệu xe taxi, biển hiệu xe ô tô vận tải khách du lịch…

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh CCHC, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, từng bước xây dựng Chính phủ số, Sở đã đăng ký 100% TTHC giải quyết mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, của tỉnh và tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; triển khai thanh toán trực tuyến (ngân hàng, bưu điện) phí, lệ phí và trả kết quả TTHC điện tử, qua dịch vụ bưu chính công ích. Kết quả, Sở đã tiếp nhận và giải quyết TTHC đúng hạn và trước hạn 18.711 hồ sơ, được người dân, doanh nghiệp ghi nhận đánh giá cao.

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng CCHC, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, như:

- Kiện toàn tổ chức bộ máy; hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kỷ cương hành chính bảo đảm sự quản lý, điều hành thông suốt, hiệu quả...

- Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC; sử dụng hiệu quả Cổng dịch vụ công Quốc gia, bộ, tỉnh; đổi mới nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông...

- Số hóa kết quả giải quyết TTHC theo kế hoạch đề ra.

- Cải tiến, duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015.

- Thường xuyên tập huấn, nâng cao trình độ của cán bộ, công chức, viên chức quản lý GTVT trên địa bàn tỉnh…

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngô Khuyến(Vietnam Business Forum)