KON TUM

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng các giải pháp đồng bộ

14:17:20 | 6/2/2023

Sắp xếp, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN); tăng cường liên kết với doanh nghiệp (DN) trong đào tạo; phát triển thị trường lao động; giải quyết việc làm,… là những giải pháp trọng tâm được tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông A Kang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Kon Tum về nội dung này.

Kon Tum là một tỉnh biên giới, miền núi với gần 55% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán, tạo ra thách thức lớn trong việc khai thác, phát triển nguồn nhân lực. Để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, hệ thống mạng lưới cơ sở GDNN của tỉnh đã có sự phát triển ra sao, thưa ông?

Tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của địa phương.

Cụ thể, thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới các cơ sở GDNN, hiện toàn tỉnh Kon Tum có 12 cơ sở GDNN, trong đó có 09 cơ sở GDNN công lập (gồm 01 Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum và 08 trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 03 trung tâm GDNN tư thục) được bố trí đều khắp đảm bảo cơ bản cho công tác đào tạo nghề. Sau những đổi mới, sắp xếp và kiện toàn mạng lưới, các cơ sở GDNN đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề để ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo. Song song đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề luôn được chú trọng. Chương trình, giáo trình đào tạo được xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung, đảm bảo năng lực đào tạo các cấp trình độ và cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh.

Đặc biệt, đáp ứng xu hướng đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở GDNN đẩy mạnh liên kết với DN để tổ chức đào tạo; khuyến khích các DN tham gia đào tạo nghề hoặc liên kết với cơ sở GDNN tổ chức tuyển dụng, đào tạo lao động. Ngay sau khi tốt nghiệp, người lao động có trình độ, tay nghề thực tế theo yêu cầu của DN nên tỷ lệ được DN tuyển dụng cao.

Năm 2022, ngành LĐ-TB&XH tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Trong đó, tuyển sinh trên 6.000 người theo học các lớp GDNN; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề 41%; tỷ lệ người lao động có việc làm sau khi tốt nghiệp trên 80%.

Ngoài ra, tỉnh khuyến khích các DN, cá nhân tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh. Theo đó, kêu gọi đầu tư các dự án trường học chất lượng cao từ nguồn vốn của nhà đầu tư trong và nước ngoài, giúp cho lao động tại địa phương có cơ hội tìm được việc làm và nâng cao trình độ nghề nghiệp của người lao động.

Cùng với phát triển hệ thống cơ sở GDNN, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến như thế nào?

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện với nhiều nội dung mới, hình thức đa dạng. Sở LĐ-TB&XH đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động đào tạo, cung ứng lao động; tư vấn giải quyết việc làm, hỗ trợ DN tuyển dụng lao động; chuyển việc đào tạo lao động cung ứng sang hình thức hỗ trợ DN tuyển dụng lao động, đưa vào đào tạo và làm việc; tư vấn xuất khẩu lao động cho các đối tượng thanh niên, hộ nghèo, lao động chưa có việc làm,…

Đồng thời, Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển dụng lao động cho DN trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, đài, mạng xã hội facebook, zalo; điện thoại, email; lồng ghép trong chương trình tư vấn, định hướng học nghề, việc làm,… để phổ biến kịp thời thông tin thị trường lao động đến người lao động và DN. Nhờ đó, đã mang lại hiệu quả cao trong việc gắn kết nhu cầu việc làm giữa DN và người lao động. Kết quả, đã giải quyết việc làm cho 7.019 người, đạt 121% kế hoạch.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Sở LĐ-TB&XH tham mưu, thực hiện các giải pháp nào nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới?

Thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Sở LĐ-TB&XH tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phát triển GDNN trên địa bàn tỉnh Kon Tum được thực hiện theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; bám sát nhu cầu thị trường lao động gắn kết với việc làm, an sinh xã hội và phát triển bền vững; phát huy tối đa năng lực người học, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Sở LĐ-TB&XH tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong chương trình, kế hoạch của tỉnh về vị trí, tầm quan trọng của GDNN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trọng tâm về đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN; chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao, gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững. Đa dạng hóa các hoạt động giới thiệu việc làm, các dịch vụ cung ứng nhân lực cho các DN, nâng cao hiệu quả đào tạo và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật, nắm bắt đầy đủ tình hình biến động về lao động tại các DN để đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời, gắn kết hoạt động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp với giao dịch việc làm nhằm nhanh chóng đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương trong công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn, về nguồn nhân lực, báo cáo xu hướng việc làm, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ tối đa cho các đối tượng tham gia vào thị trường lao động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: (Vietnam Business Forum)