BẮC KẠN

Lan tỏa Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ trong toàn ngành Y tế

17:41:09 | 30/4/2023

Nghị định số 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 03/3/2023 của Chính phủ đã giải tỏa tâm lý và tháo gỡ vướng mắc trong quản lý điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân nói chung và nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nói riêng. Đó là những chia sẻ của ông với phóng viên Vietnam Business Forum.

Các nghị định, nghị quyết của Chính phủ kịp thời ban hành đầu năm 2023 đã tác động tích cực đến công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn như thế nào, thưa ông?

Thời gian qua, để giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý trang thiết bị y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 03/3/2023. Sở Y tế tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và bước đầu tạo hiệu ứng tích cực.

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ngành Y tế tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo; thực hiện hiệu quả đề án 1816; chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo  để nâng cao tay nghề, trình độ đội ngũ cán bộ, nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh; thực hiện tốt nội quy, quy chế chuyên môn.

Triển khai có hiệu quả Đề án đảm bảo cơ sở vật chất ngành Y tế Bắc Kạn, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2129/QĐ-UBND ngày 09/11/2021. Trong đó tập trung đẩy nhanh và phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư như: Dự án cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất Trường Trung cấp Y tế (cũ) để phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK tỉnh); Dự án cải tạo sửa chữa Khoa Nội A phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh cho các đối tượng thuộc diện bảo vệ sức khỏe tỉnh tại BVĐK tỉnh; Dự án đầu tư nâng cấp cải tạo 03 trung tâm y tế tuyến huyện và 04 trạm y tế xã thuộc nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế; Dự án thành phần của tỉnh “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” thuộc nguồn vốn WB;…

Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực và đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh và khám, điều trị. Từng bước triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ y tế công, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; tăng thêm nguồn thu nhập đối với viên chức, nhất là đối tượng bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu, nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành Y tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Sở Y tế tiếp tục triển khai công tác tuyển dụng, bảo đảm ổn định nguồn nhân lực đáp ứng các hoạt động phòng, chống dịch, khám chữa bệnh.


 Sở Y tế tổ chức Hội nghị cải cách hành chính, chuyển đổi số lần thứ nhất năm 2023

Công tác cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả công tác chuyên môn được ngành Y tế tỉnh triển khai hiệu quả ra sao, thưa ông?

Những năm qua, công tác CCHC được Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các nhiệm vụ CCHC được triển khai thực hiện cơ bản theo đúng kế hoạch, chương trình đề ra, các văn bản được ban hành đúng theo trình tự, thủ tục, tham mưu ban hành các văn bản QPPL theo đúng Luật ban hành văn bản QPPL và có tính khả thi trong thực hiện. TTHC được rà soát, thống kê, công bố đầy đủ, kịp thời theo quy định; duy trì thực hiện và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp giảm công sức, thời gian đi lại nên được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bộ máy các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục được rà soát sắp xếp và quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể nên không có sự chồng chéo, trùng lắp.

Việc ứng dụng CNTT, CĐS được quan tâm đầu tư; các đơn vị sử dụng phần mềm dùng chung đã triển khai ngày một hiệu quả. Hệ thống ISO trong các cơ quan hành chính nhà nước được duy trì hoạt động, đổi mới phù hợp với thực tiễn. Chỉ số và xếp hạng CCHC liên tục tăng (năm 2019 từ vị trí 11 lên vị trí thứ 3 năm 2020) và vị trí thứ 7 (năm 2021) trong các sở, ngành.

Đối với Chính quyền số, 100% các đơn vị trực thuộc của Sở Y tế đã triển khai sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, giảm thiểu việc sử dụng văn bản giấy, nâng cao hiệu quả điều hành của lãnh đạo đơn vị. Trong toàn ngành đã thực hiện ký số điện tử; thực hiện gửi nhận văn bản, công việc qua môi trường mạng, hệ thống email công vụ đảm bảo nhanh, kịp thời, chính xác trong việc quản lý và điều hành.

Sở cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch CĐS tại đơn vị, thành lập Ban chỉ đạo CĐS tại đơn vị, thực hiện đánh giá CĐS theo Quyết định số 1294/QĐ-UBND ngày 14/7/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Bộ Chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ CĐS của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Phần mềm quản lý bệnh viện HIS, quản lý trạm y tế: 100% đơn vị khám, chữa bệnh đã đẩy dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT) và tiến hành giám định, thanh toán qua hệ thống phần mềm giám định BHYT. Không thực hiện thanh toán BHYT qua bảng kê chứng từ, hồ sơ, bệnh án giấy tại các đơn vị.

Sở đã xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến gồm các điểm cầu tại: Sở Y tế, BVĐK tỉnh và các trung tâm y tế huyện/thành phố. Sở Y tế được Cục CNTT - Bộ Y tế và UNDP Việt Nam hỗ trợ triển khai phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” cho 119 đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn gồm: Sở Y tế,  BVĐK tỉnh, 8 trung tâm y tế huyện/thành phố và 108 trạm y tế xã phường/thị trấn.

Hiện nay, tất cả người dân đã được khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử trên hệ thống. Cung cấp dịch vụ cho người dân có thể tự theo dõi, quản lý, kiểm tra sức khỏe của bản thân tại địa chỉ https://ssk.kcb.vn/ .

Tất cả các văn bản (trừ văn bản mật và các văn bản liên quan đến thanh toán) đều được Sở Y tế thực hiện ký số, gửi bản điện tử (không thực hiện gửi văn bản giấy) cho các phòng chức năng, các đơn vị trực thuộc thông qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT- iOffice, thực hiện đầy đủ các quy trình trên phần mềm. Đến nay, hệ thống một cửa điện tử liên thông đã cung cấp toàn tỉnh được 71/72 thủ tục.


Đầu tư trang thiết bị xét nghiệm máu hiện đại tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn

Góc nhìn tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh
Bác sĩ Chuyên khoa II, Giám đốc BVĐK tỉnh Bắc Kạn Trần Văn Tuyến chia sẻ: Được sự quan tâm của Trung ương, UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh, BVĐK đã được đầu tư gần 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với quy mô 500 giường bệnh (khả năng thu dung mở rộng 600 đến 800 giường bệnh) và 33 khoa phòng hiện đại, đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2016 đến nay. Đây chính là nguồn cổ vũ, động viên và cũng là động lực để 450 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện nâng cao chất lượng trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. 
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận khám từ 350 - 420 người bệnh, khám điều trị bệnh mãn tính từ 80-100 người bệnh, thu dung cấp cứu và điều trị nội trú từ 80-120 người, số bệnh nhân điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng từ trung bình 500-580 người bệnh/ngày. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân của Bệnh viện chuyển lên tuyến trên đã giảm đáng kể so với trước đây.
Cùng với đó, các trang thiết bị y tế của Bệnh viện được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Bệnh viện không những duy trì tốt các dịch vụ kỹ thuật cơ bản mà còn triển khai được nhiều kỹ thuật cao như: Các phẫu thuật nội soi ổ bụng, tiết niệu và trong sản khoa; Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình; Nội soi can thiệp và các chuyên khoa: Phẫu thuật Phaco;... Đặc biệt, Bệnh viện còn triển khai thêm được 04 kỹ thuật lâm sàng (Lọc máu liên tục; Lọc máu thay huyết tương; Phẫu thuật cắt polip cổ tử cung; Nội soi tán sỏi thận qua da) và 07 kỹ thuật cận lâm sàng (Nhuộm phiến đồ tế bào theo Papanicolaou, Cell bloc, Kỹ thuật chụp Cộng hưởng từ, Vi hệ đường ruột, HP test nhanh, Rotavirus test nhanh, Virus cúm A, B test nhanh)…
Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện được 63% danh mục kỹ thuật thuộc phân tuyến và gần 300 kỹ thuật vượt tuyến; nhiều kỹ thuật mới đã được triển khai áp dụng. Đồng thời, với việc tiếp tục thực hiện đầu tư hoàn thành dự án BVĐK tỉnh giai đoạn 2, BVĐK Bắc Kạn sẽ đạt được theo đúng kỳ vọng, xứng đáng trở thành “Trung tâm y tế kỹ thuật cao” phục vụ đắc lực công tác chăm sóc sức khỏe  nhân dân các dân tộc tại địa phương và các tỉnh miền núi Đông Bắc.


Góc nhìn tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện


Bác sĩ Chuyên khoa II, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bạch Thông (TTYT Bạch Thông) Hoàng Thị Hà cho biết: Thời gian qua, TTYT Bạch Thông được quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đã góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Mặc dù hiện tại vẫn còn một số hạng mục chưa được sửa chữa nâng cấp, thiếu trang thiết bị thiết yếu,... nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể cán bộ, nhân viên y tế Trung tâm, số lượng các ca khám, chữa, tỷ lệ giường bệnh vẫn được đảm bảo và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Năm 2022, tổng số lượt khám bệnh tại Trung tâm đạt 31.360 lượt, bằng 101% kế hoạch, số bệnh nhân điều trị nội trú: 4.569 bệnh nhân, bằng 125% kế hoạch; tổng số ngày điều trị của người bệnh nội trú: 24.750 ngày, bằng 113%  kế hoạch, công suất sử dụng giường bệnh: 123%; tổng số ca phẫu thuật là 626 ca, bằng 118% kế hoạch,… Điểm tự đánh giá “Chất lượng bệnh viện” theo 83 tiêu chí của Bộ Y tế hướng dẫn, Trung tâm đạt bình quân 3,3 điểm,  xếp loại chất lượng khá.
Tới đây, khi cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh, các trang thiết bị y tế được nâng cấp, mua sắm mới; vận hành đồng bộ, nhất quán theo đúng tinh thần Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 03/3/2023 của Chính phủ thì TTYT Bạch Thông sẽ phát triển hơn nữa và người dân nơi đây còn được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đức Bình (Vietnam Business Forum)