BẮC GIANG

Giúp doanh nghiệp sớm gia nhập thị trường và kinh doanh thuận lợi

07:35:08 | 4/9/2023

Nhằm góp phần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực cấp giấy phép kinh doanh. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn bà Bùi Thị Thu Thủy - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bắc Giang.

Những năm gần đây, Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn FDI. Bà có thể cho biết rõ hơn về kết quả này?

Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực, cố gắng, linh hoạt của các cấp, các ngành, địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng DN, Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư

Năm 2022, toàn tỉnh đã thu hút được gần 1,7 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 28 dự án trong nước, vốn đăng ký 6.805,5 tỷ đồng, tăng 16,5%; 38 dự án FDI, vốn đăng ký 581,49 triệu USD, bằng 90% so với cùng kỳ; điều chỉnh 13 dự án trong nước, vốn đăng ký tăng thêm 548,8 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2021; điều chỉnh 48 dự án FDI với tổng vốn tăng thêm 879,15 triệu USD, gấp 1,27 lần so với năm 2021, có 30 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của các tổ chức kinh tế với số vốn đăng ký đạt 97,5 triệu USD. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư trong nước đạt khoảng 4.500 tỷ đồng; các dự án FDI đạt khoảng trên 750 triệu USD. Tính riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang xếp thứ 9 cả nước

Toàn tỉnh có 1.684 DN và 154 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 18% so với năm 2021; tổng vốn đăng ký 29.679 tỷ đồng, tăng 6%.

Góp phần vào kết quả ấn tượng này, Sở KH&ĐT đã tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động nào?

Ngay đầu nhiệm kỳ, Sở KH&ĐT đã tham mưu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 105-NQ/TU ngày 28/4/2021 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 293/KH-UBND ngày 26/6/2021 nhằm cụ thể hóa từng nhiệm vụ mà Nghị quyết đã nêu; giao trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thông thoáng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, qua đó huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đưa tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, từng bước tạo dựng thương hiệu, nâng vị thế lên tầm cao mới.

Sở cũng tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm định hướng phát triển, sắp xếp không gian, phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của tỉnh trong thời kỳ mới.

Ngoài ra, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch nâng cao Chỉ số PCI, đồng thời tham mưu ban hành Kế hoạch khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố thuộc tỉnh Bắc Giang (DDCI) năm 2020, 2021. Qua đó, tạo sự cạnh tranh, thi đua giữa các sở, ban, ngành và giữa các huyện, thành phố về chất lượng điều hành kinh tế và phục vụ cộng đồng kinh doanh.

Cùng với đó là việc tham mưu UBND tỉnh và tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu và sáng kiến về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bắc Giang”.  Hàng năm, Sở đều tổ chức từ 01 đến 02 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các DN, nhà đầu tư nhằm lắng nghe nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tháo gỡ; đồng thời thực hiện sáng kiến “5 tại chỗ - 2 con dấu” trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đó là “Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả” tại bộ phận một cửa, Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Sở cũng tham mưu sửa đổi quy trình thẩm định quyết định chủ trương các dự án đầu tư. Đồng thời nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí mới lựa chọn các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh để lựa chọn các dự án có chất lượng, hiệu quả, với quan điểm “DN phát tài, địa phương phát triển”, sử dụng tiết kiệm đất đai, năng lượng, lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.


Một góc Khu Công nghiệp Vân Trung

Từ các tiềm năng, lợi thế đã định hình rõ nét sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, sự chuẩn bị về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực…, Bắc Giang sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn nào? Quy mô và chất lượng dự án được hướng tới ra sao, thưa bà?

Bắc Giang là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025 tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022. Để phát huy tối đa hiệu quả các nội dung, định hướng trong quy hoạch tỉnh, tỉnh đã có chủ trương thu hút đầu tư đối với các ngành, lĩnh vực, đối tượng các dự án như sau:

Đối với các dự án FDI: Thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ.

Về định hướng thu hút đầu tư: Ưu tiên thu hút phát triển toàn diện các ngành kinh tế trong đó công nghiệp là động lực chủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng đảm bảo và dịch vụ làm điều kiện thúc đẩy.

Đối với lĩnh vực công nghiệp: Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu, theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, thân thiện với môi trường.

Về địa bàn, khu vực phát triển: Ưu tiên các dự án vào khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Ngoài khu, cụm công nghiệp ưu tiên xem xét chấp thuận đối với các dự án lớn có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn, các dự án có tính chất đặc thù không thể sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp.

Về các sản phẩm công nghiệp: Các dự án sản xuất, chế tạo linh kiện và thiết bị điện tử; linh kiện và thiết bị điện, trong đó ưu tiên sản xuất các sản phẩm điện tử công nghiệp, điện tử viễn thông, máy tính thương hiệu Việt Nam, điện thoại di động, linh kiện điện tử phục vụ sản xuất và xuất khẩu; các dự án cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị và gia công kim loại, trong đó tập trung các ngành sản xuất khuôn mẫu cho công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp ôtô; xe máy; máy động lực; máy nông nghiệp; máy móc sử dụng trong công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản. Ngoài ra còn có các dự án sản xuất phần mềm; dự án trong ngành công nghiệp hóa dược, dược phẩm, công nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao như công nghệ nano, công nghệ sinh học; dự án chế biến nông, lâm sản phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ: Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông, dịch vụ logistics, dịch vụ khám chữa bệnh; các quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí; các dự án về khu dịch vụ, khách sạn cao cấp tại TP.Bắc Giang. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án khu du lịch: Khu du lịch Suối Mỡ (huyện Lục Nam); khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); Khu giải trí, nghỉ dưỡng, tâm linh (Núi Nham Biền, huyện Yên Dũng).

Về lĩnh vực nông nghiệp: Các dự án phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản.

Trong khi điểm số chung PCI và 9 chỉ số thành phần khác năm 2022 đều tăng điểm thì Chỉ số “Gia nhập thị trường” lại giảm (từ 6,76 xuống 6,65 điểm). Theo bà đâu là nguyên nhân và Sở đang tham mưu, thực hiện các giải pháp nào nhằm cải thiện mạnh mẽ chỉ số này?

Năm 2022, trong 10 chỉ số thành phần PCI của Bắc Giang có 09 chỉ số thành phần tăng điểm và tăng thứ hạng, đặc biệt có 02 chỉ số thành phần là Chi phí không chính thức và Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự dẫn đầu cả nước. Song còn 01 chỉ số giảm điểm và giảm thứ hạng đó là Chỉ số “Gia nhập thị trường” từ 6,76 xuống 6,65 điểm.

Cụ thể, trong đó có một số chỉ tiêu DN đánh giá chưa cao như: Vẫn còn đến 6,25% DN được hỏi cho rằng họ phải chờ hơn 3 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động (đứng thứ 60/63 tỉnh, thành phố); chỉ có 24,59% DN được hỏi cho rằng cán bộ hướng dẫn thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện là rõ ràng, đầy đủ (đứng thứ 47/63 tỉnh, thành phố). Đây cũng chính là mấu chốt của việc giảm điểm đối với chỉ số thành phần này. Các chỉ tiêu trên là các chỉ tiêu quan trọng mà DN cho rằng cần phải khắc phục trong thời gian tới. Có thể thấy việc cải cách TTHC trong lĩnh vực cấp giấy phép kinh doanh chưa thực sự chuyển biến, các DN còn mất nhiều thời gian để hoàn tất các thủ tục để có thể gia nhập thị trường.  

Để khắc phục hạn chế trên, thời gian qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị “Phân tích chi tiết các chỉ số thành phần PCI năm 2022” để làm rõ những hạn chế từ đó xây dựng Kế hoạch nâng hạng PCI năm 2023, trong đó phân công rõ nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối các chỉ số thành phần, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì các chỉ tiêu của Chỉ số PCI.

Đặc biệt là năm nay, Kế hoạch của các đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối sẽ được trình lãnh đạo tỉnh phụ trách phê duyệt. Sở KH&ĐT đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 03/7/2023 về Nâng cao Chỉ số PCI đối với các chỉ số thành phần “Gia nhập thị trường”, “Cạnh tranh bình đẳng” năm 2023, trong đó có các giải pháp trọng tâm giao cho đơn vị chủ trì. Hàng quý, Sở sẽ đôn đốc, kiểm tra, giám sát đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Vietnam Business Forum