BẮC GIANG

Huyện Lạng Giang: Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực phát triển

07:25:37 | 4/9/2023

Thời gian qua, Lạng Giang đã không ngừng nỗ lực tạo bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Văn Bằng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đang quyết liệt đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư khơi thông nguồn lực phát triển, tạo động lực sớm trở thành trung tâm phát triển năng động phía Bắc của tỉnh trong tương lai gần.


Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - ông Lê Ánh Dương kiểm tra tiến độ dự án khu dân cư thôn Mầu, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang

 

 

Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư của Lạng Giang thời gian qua?

Những năm qua, Lạng Giang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư và đạt kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, trong 2 năm 2021-2022, giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng bình quân 14,6%/năm, nằm trong top đầu của tỉnh, trong đó: Nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,6%; dịch vụ tăng 13,4%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 35.000 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 26,9%/năm,…

Bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong 05 cụm công nghiệp (CCN) hoạt động ổn định; huyện tiếp tục mở rộng 02 cụm CCN Đại Lâm, Nghĩa Hoà và đẩy nhanh tiến độ xây dựng CCN Tân Hưng và Hương Sơn. Đặc biệt trong năm 2022, huyện đã thu hút thành công 03 CCN mới Đại Lâm 2, Hương Sơn 2 và Phương Sơn Đại Lâm.

Lạng Giang còn tập trung giải phóng mặt bằng khu công nghiệp (KCN) Tân Hưng quy mô 105,3ha (hiện chủ đầu tư đang thi công xây dựng, dự kiến tháng 10/2023 sẽ thu hút nhà đầu tư thứ cấp), đồng thời bổ sung quy hoạch mới 06 KCN vào đồ án quy hoạch vùng huyện và đang trình UBND tỉnh phê duyệt đồ án. Huyện đã chỉ UBND cấp xã tổ chức việc lập quy hoạch chung xây dựng 18 xã trên địa bàn làm cơ sở để thu hút đầu tư.

Huyện đã thu hút 42 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 4.456 tỷ đồng, sử dụng 350,6ha đất; thành lập mới 170 doanh nghiệp, đưa toàn huyện có 790 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động, tạo trên 20 nghìn việc làm và đóng góp vào ngân sách 150 tỷ đồng/năm.

6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 5.549,4 tỷ đồng, tăng 9,37%; ngành dịch vụ đạt 1.298 tỷ đồng, đạt 60,5% kế hoạch; nông- lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 1.213 tỷ đồng, tăng 2,15%; thu ngân sách đạt 1.696 tỷ đồng, đạt 93% dự toán huyện giao; đề xuất chấp thuận chủ trương thu hút 03 dự án đầu tư với tổng vốn 150 tỷ đồng,… Những kết quả đạt được là nền tảng để Lạng Giang hoàn thành các mục tiêu đề ra năm 2023 và tạo bứt phá mạnh mẽ trong các năm tiếp theo.


Lễ khai trương hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép vào tháng 2/2023

Lạng Giang đang nổi lên là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ hội tụ vị trí thuận lợi. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này và định hướng thu hút đầu tư của huyện trong thời gian tới?

Lạng Giang có vị trí thuận lợi: Nằm ở phía Đông Bắc cách trung tâm TP.Bắc Giang 10km, cách sân bay Nội Bài và Thủ đô Hà Nội 60km, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) 100km và cảng biển Hải Phòng cùng cảng biển nước sâu Cái Lân - Quảng Ninh 130km,… Trên địa bàn có nhiều tuyến giao thông chiến lược chạy qua: Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 31, 37 và 02 tuyến đường sắt: Hà Nội- Lạng Sơn, Kép - Quảng Ninh,… cùng nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện đan xen tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt. Sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đang mở ra thời cơ, vận hội phát triển mới; huyện đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng xây dựng, phát triển huyện Lạng Giang trở thành đô thị xanh, văn hóa đặc sắc, là trung tâm logistics vùng và cực tăng trưởng kinh tế quan trọng phía Bắc của tỉnh.

Huyện ưu tiên thực hiện các nhóm dự án từ các Chương trình mục tiêu quốc gia; Quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị du lịch các khu vực sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng,... Thu hút đầu tư đầu tư xây dựng các dự án: Hạ tầng khung về giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, khu xử lý môi trường; dự án khu đô thị, khu dân cư - thương mại - dịch vụ; các dự án du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao cao cấp, vui chơi giải trí gắn với các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái; các dự án hạ tầng khu, CCN, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề tập trung; các dự án phát triển nông - lâm nghiệp sạch công nghệ cao, trung tâm hỗ trợ dịch vụ nông nghiệp, vườn ươm,…

Đặc biệt, ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, cung cấp đầy đủ và ngày càng nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thương mại, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.

Để thu hút các nguồn vốn đầu tư, huyện đã, đang thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nào?

Huyện đã triển khai mạnh mẽ các văn bản của Trung ương và tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đồng thời tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là các khu, CCN đã phê duyệt; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin kinh tế - xã hội, quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, huyện; xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm, chủ động và phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tăng cường quảng bá, tiếp xúc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính; nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; duy trì đối thoại doanh nghiệp, hoạt động có hiệu quả mô hình “Cà phê doanh nhân”. Đặc biệt huyện còn tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp, đơn vị thi công sớm có mặt bằng triển khai dự án.

Cùng với đó, rà soát các dự án triển khai chậm tiến độ, các dự án chưa triển khai theo quy định, dự án không có năng lực hoặc năng lực thấp, báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp thu hồi dự án, kêu gọi nhà đầu tư mới triển khai thực hiện.

Theo bảng xếp hạng đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và quận, huyện (DDCI) Bắc Giang năm 2022, Lạng Giang với 71,50 điểm, xếp 4/10, tăng cả về điểm số, thứ hạng so với năm 2021. Ông đánh giá sao về sự chuyển động này và những giải pháp nâng cao điểm số, cải thiện thứ hạng thời gian tới?

Với kết quả trên, Lạng Giang đã thực hiện thành công mục tiêu kế hoạch đề ra, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, thân thiện.

Để nâng cao điểm số và cải thiện thứ hạng, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND các cấp; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh thống nhất trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; tập trung làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án; kịp thời giải quyết ý kiến, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp,…

Đặc biệt là tiếp tục phát huy tính năng động, tiên phong, gương mẫu của lãnh đạo các cấp, các ngành, đề cao tinh thần, thái độ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum