HÀ GIANG

Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị

10:00:37 | 19/9/2023

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu,… đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; nhất là đối với Hà Giang, một tỉnh địa đầu tổ quốc có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của quốc gia.


Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn thăm quan mô hình trồng rau thủy canh tại thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định: Hà Giang là tỉnh nông nghiệp; nông nghiệp là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong 03 đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII có 02 đột phá liên quan đến ngành Nông nghiệp, đó là: Tạo sinh kế, nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, được cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị triển khai thực hiện đã đi vào cuộc sống, tạo ra giá trị, thu nhập cho người dân và nhận được sự đồng thuận của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể về phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định về điều kiện tự nhiên, địa hình, khí hậu tiểu vùng hết sức phức tạp; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ. Ngoài ra, tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phong tục, tập quán sản xuất, canh tác còn theo phương thức truyền thống; sản xuất manh mún, tự cung tự cấp vẫn là chủ yếu; chưa hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường,…

Song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự cố gắng của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh; sản xuất nông, lâm nghiệp 6 tháng đầu năm đã đảm bảo được an ninh lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Nhận thức chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị đã có chuyển biến rõ rệt, được các địa phương tích cực chủ động triển khai thực hiện. Công tác phòng chống, dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi thực hiện tốt; công tác chuẩn bị giống, vật tư cho sản xuất vụ Đông, vụ Xuân đủ về số lượng và chất lượng. Chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá so với cùng kỳ (tăng 4,94%), công tác tái đàn tăng trở lại. Việc tiêu thụ sản phẩm chủ lực “cam sành” thuận lợi, được mùa, được giá, không có thiệt hại. Tình trạng bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam được khảo sát, đánh giá và có hướng dẫn giải pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được triển khai quyết liệt, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) được tăng cường, đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh. Các công tác khác như: Khuyến nông, phát triển nông thôn, phòng chống thiên tai, thủy lợi được thực hiện tốt, đảm bảo yêu cầu cho phục vụ sản xuất và kế hoạch đặt ra. Sự phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với các lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ngày càng được củng cố, tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 1.862,05 tỷ đồng, tăng 4,61% so với cùng kỳ (trong đó: Ngành nông nghiệp tăng 4,94%; lâm nghiệp tăng 1,71%; thủy sản tăng 3,62%)

06 tháng cuối năm, ngành sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất; theo dõi sát diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh, chủ động chuẩn bị tốt kế hoạch triển khai sản xuất vụ Mùa năm 2023 thích ứng với biến đổi khí hậu. Quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện 04 Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy và các phương án, kế hoạch sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực.

Duy Bình (Vietnam Business Forum)