Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Phúc thường xuyên thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban luôn thông thoáng, đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Ông Vũ Kim Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc chia sẻ với phóng viên về những kết quả đạt được nổi bật của công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2023. Nguyệt Thắm thực hiện.
Xin ông cho biết cụ thể về kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc trong 9 tháng năm 2023?
Trong 9 tháng đầu năm 2023, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh theo quy định. Tính đến hết ngày 15/9/2023, Ban đã thực hiện giải quyết 2.781 thủ tục hành chính, trong đó có kết quả là 2.411 hồ sơ; rút và trả lại 369 hồ sơ. Trong số 2.411 hồ sơ có kết quả giải quyết đúng và trước hạn là 2.399 thủ tục hành chính (chiếm 99,5%); chậm hạn 12 thủ tục hành chính (chiếm 0,5%).
Đồng chí Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tặng hoa chúc mừng BQL các KCN Vĩnh Phúc
Nhìn chung, công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế 1 cửa và 1 cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Tỷ lệ thủ tục hành chính của Ban được giải quyết xong trước và đúng hạn đạt 99,5%; 100% thủ tục đầu tư được kê khai trực tuyến trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; 100% thủ tục hành chính về lao động được thực hiện 4 tại chỗ, thời gian giải quyết được rút gọn, nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Công chức, viên chức trực tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh chấp hành nghiêm thời gian làm việc, thời gian tiếp nhận và thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm; quản lý hồ sơ, tài liệu, cập nhật sổ sách theo dõi việc tiếp nhận và trả kết quả theo đúng quy định; quy chế về cơ chế một cửa, một cửa liên thông đảm bảo chính xác, khoa học.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Ban thực hiện thường xuyên trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, cũng như trong quá trình quản lý hoạt động dự án, hỗ trợ doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian tiếp cận thông tin và tạo niềm tin, sức hấp dẫn nhất định trong thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, công tác hậu kiểm đối với các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được tăng cường. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đối với các vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền quản lý cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp; giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp được thực hiện bằng nhiều hình thức kịp thời; các vấn đề tồn tại, vướng mắc phức tạp, kéo dài, một số vướng mắc liên quan đến thể chế, quy định hiện hành dần được tháo gỡ. Ban đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp và phối hợp với các đơn vị có liên quan để tìm giải pháp tối ưu, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động xúc tiến đầu tư được Ban quan tâm ra sao, thưa ông?
Trong 9 tháng đầu năm 2023, môi trường đầu tư kinh doanh trong các KCN Vĩnh Phúc tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xúc tiến đầu tư vào các KCN được Ban tiếp tục quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt để tăng tốc phát triển các KCN. Ban đã triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể:
Chúng tôi chủ động tiếp cận, xúc tiến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các dự án phù hợp với quy hoạch, tính chất ngành nghề thu hút đầu tư vào các KCN, đồng thời hướng dẫn, đưa các nhà đầu tư đi thăm quan các KCN, khảo sát địa điểm, thủ tục đầu tư… để mời gọi, thu hút dự án đầu tư mới, như: tham gia tiếp và làm việc với Đoàn lãnh đạo cấp cao của Tổng Công ty Tân Thuận; Tập đoàn Kitz, Tamron (Nhật Bản); các nhà đầu tư Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư và mở rộng nhà máy tại các KCN của tỉnh.
Toàn cảnh KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc
Tích cực tham dự các hội nghị, hội thảo ở trong và ngoài nước về thu hút đầu tư và kết nối đầu tư các KCN tới các doanh nghiệp, cụ thể: Hội thảo về thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ; Hội thảo “Xu hướng phát triển xe điện trên thế giới và Việt Nam”; Hội thảo kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc với Việt Nam; các hoạt động nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản như: Hội thảo kết nối đầu tư Việt Nam – Nhật Bản, tọa đàm trực tuyến với doanh nghiệp tỉnh Aichi, Tochigi - Nhật Bản, Hội thảo kinh tế cấp cao nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản tại Vĩnh Phúc năm 2023, Tọa đàm ''Việt Nam - Nhật Bản hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh”; Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Hồng; Hội nghị giao ban và tập huấn xúc tiến đầu tư cho các địa phương khu vực phía Bắc, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức nhằm cập nhật thông tin về luật pháp, chính sách, xu hướng đầu tư và kỹ năng xúc tiến đầu tư…
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tuyên truyền, quảng bá các lợi thế về môi trường đầu tư, các cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh... Hoàn thiện nội dung, biên tập bộ tài liệu xúc tiến đầu tư vào KCN năm 2023; xây dựng video giới thiệu môi trường đầu tư, tài liệu xúc tiến đầu tư; chuẩn bị tài liệu xúc tiến đầu tư phục vụ chuyến công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại nước Áo và Italia, gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp…
Những tháng cuối năm, Ban sẽ triển khai nhiệm vụ trọng tâm nào để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN Vĩnh Phúc, thưa ông?
Trong 3 tháng cuối năm 2023, Ban tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong các KCN; tiếp nhận, xử lý/phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tăng cường công tác hỗ trợ sau đầu tư, nhằm hạn chế và phòng ngừa các tranh chấp đầu tư; ưu tiên tập trung hỗ trợ việc triển khai các dự án lớn. Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ như: Hỗ trợ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh; hỗ trợ qua điện thoại, đường dây nóng; hỗ trợ bằng văn bản hoặc email; hỗ trợ giải đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh; trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp đi khảo sát thực tế tại các KCN...
Triển khai các nội dung về chuyển đổi số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4, quản lý hoạt động của các dự án bằng phần mềm.
Đồng thời, tiếp tục tạo lập, cấp tài khoản, cập nhật thông tin tài khoản, hỗ trợ các doanh nghiệp truy cập sử dụng thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo quy định Luật Đầu tư 2020.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI