Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Cục đã được các cấp, ngành địa phương ghi nhận là một trong những đơn vị đứng đầu về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Dũng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ninh Thuận.
Ông có thể chia sẻ đôi nét về tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh?
9 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách (phần thu nội địa) trên địa bàn tỉnh là 2.716 tỷ đồng (đạt 77,9% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 92,5% so với cùng kỳ năm 2022).
Mặc dù tổng thu vượt tiến độ thực hiện dự toán (trên 75%) nhưng giảm so với số thu cùng kỳ năm 2022, bởi một số nguyên nhân: Nguồn thu từ hoạt động xây dựng cơ bản các dự án điện gió, điện mặt trời giảm do các dự án này đã hoàn thành và bắt đầu đi vào hoạt động, trong thời gian chờ cơ chế giá bán điện và hưởng các ưu đãi về thuế nên chưa phát sinh nộp thuế nhiều để bù đắp phần hụt thu; ảnh hưởng của các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân,...
Ngoài những kết quả đạt được, ngành cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn đan xen?
9 tháng đầu năm 2023, do hậu dịch Covid-19 vẫn còn có tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước; giá dầu, tỷ giá, lãi suất tăng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường bất động sản trầm lắng,... khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Song với tinh thần chủ động, không ngừng sáng tạo để kịp thời nắm bắt những cơ hội mới, Cục luôn chủ động theo dõi nắm bắt diễn biến thị trường và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, tình hình thu nộp ngân sách; rà soát và nắm chắc số thuế ảnh hưởng tăng/giảm thu, số thuế gia hạn nộp của từng đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực để chủ động trong công tác quản lý thuế. Đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thu đối với những khoản thu chưa đạt tiến độ, tăng trưởng không cao nhằm đảm bảo hoàn thành dự toán thu NSNN cả năm 2023. Đẩy mạnh khai thác tăng thu từ các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng (như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản,…).
Ngoài ra, ngành cũng chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường các biện pháp quản lý thu ngân sách làm cơ sở để chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách.
Song song với đó là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các chính sách thuế mới năm 2023. Chú trọng công tác đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong việc rà soát hồ sơ miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất để triển khai tốt các gói hỗ trợ.
Công tác cải cách TTHC được ngành quan tâm ra sao, thưa ông?
Về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC, ngành đã cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ cụ thể sát với tình hình thực tiễn, đồng thời chỉ đạo các phòng, chi cục Thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa ra các sáng kiến nhằm giảm tải, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC; công khai đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị tại bộ phận “một cửa” cơ quan thuế các cấp và trên trang thông tin điện tử của Cục.
Đến nay, cơ quan thuế đã cắt giảm từ 304 TTHC xuống còn 235 TTHC (số lượng TTHC mức độ 3,4 là 145 TTHC, đã tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 101/145 TTHC; số lượng TTHC mức độ 2 là 90 thủ tục, đủ điều kiện nâng cấp điện tử hóa lên mức độ 3,4 là 48 TTHC). Đẩy mạnh thủ tục đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; nộp thuế điện tử dành cho cá nhân/hộ kinh doanh (qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; ứng dụng eTax Mobile; ứng dụng của các ngân hàng thương mại). Duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp theo cơ chế “một cửa liên thông” tại cơ quan thuế các cấp để thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Không chỉ vậy, ngành còn chủ động phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan trong công tác quản lý thuế, giải quyết các thủ tục đăng ký thuế, xác định các ưu đãi đầu tư, xác định nghĩa vụ tài chính đất đai cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào đầu tư trên địa bàn tỉnh;…
Ông có thông điệp nào gửi gắm đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành Thuế địa phương?
Thời gian qua, ngành luôn nỗ lực bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ngành cũng đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp quản lý thuế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ đối với công chức thuế, không gây phiền hà, nhũng nhiễu, vụ lợi trong khi thi hành công vụ. Điều này được thể hiện qua kết quả PCI năm 2022 của tỉnh tăng 19 bậc so với năm 2021, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố và nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất.
Thời gian tới, ngành Thuế tỉnh cam kết đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư với thông điệp “luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong hỗ trợ giải quyết các TTHC thuế, các khó khăn, vướng mắc về thuế trong suốt quá trình đầu tư và hoạt động của dự án”.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI