BÌNH THUẬN

Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Bình Thuận: Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản

09:42:54 | 26/1/2024

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn, gắn thị trường tiêu thụ,... Những năm qua, công tác quản lý chất lượng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm và thủy sản luôn được các cấp, các ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận quan tâm chỉ đạo.

Bà Ngô Minh Uyên Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản cho biết: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Chi cục đã tập trung các giải pháp quản lý, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, ATTP sản phẩm nông lâm sản thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao nhận thức về sản xuất, sử dụng thực phẩm an toàn trong cộng đồng, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản triển khai, quán triệt kịp thời các văn bản, các quy định, chính sách về đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông, lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp đến toàn bộ công chức và người lao động để kịp thời nắm bắm, thực hiện đúng quy định. Tăng cường phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật về chất lượng, ATTP cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. Ngoài kế hoạch tập huấn được duyệt, Chi cục còn phối hợp với Hội Nông dân - Hội Phụ Nữ thực hiện tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững.

Cùng với đó,, triển khai thực hiện có hiệu quả việc thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Tăng cường thanh tra, xử lý đối với cơ sở không đạt điều kiện bảo đảm ATTP, cơ sở sử dụng phụ gia, hóa chất cấm, không rõ nguồn gốc. Tổ chức thực hiện chương trình giám sát ATTP nông sản, thủy sản sau thu hoạch. Kịp thời xử lý và áp dụng các biện pháp khắc phục khi kết quả giám sát không đạt chỉ tiêu. Triển khai đầy đủ Chương trình kiểm soát dư lượng trong thủy sản nuôi: Chương trình kiểm soát ATVS vùng thu hoạch NT2MV.

Đồng thời, tích cực hỗ trợ cơ sở áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; đẩy mạnh thực hiện chuỗi cung ứng tiêu thụ thực phẩm nông, thủy sản an toàn. Tằng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh tại các hội chợ, diễn đàn trong và ngoài nước. Tổ chức hội nghị/diễn đàn kết nối giao thương nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm an toàn, sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm lợi thế từng địa phương…

Trong năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản đã thẩm định 317 cơ sở, đạt 158,5% so với kế hoạch, kết quả: 100% cơ sở thẩm định đạt điều kiện ATTP, xếp loại đạt (A, B); Thanh tra 95 cơ sở (25 cơ sở thủy sản, 28 cơ sở nông sản thực vật, 42 cơ sở nông sản động vật), xử phạt 26 cơ sở với số tiền 311,25 triệu đồng. Thực hiện Chương trình kiểm soát dư lượng trong thủy sản nuôi đã lấy 34 mẫu (24 mẫu tôm, 10 mẫu nước), kết quả 100% mẫu đạt yêu cầu; thực hiện Chương trình kiểm soát ATVS vùng thu hoạch NT2MV lấy 15 mẫu (trong đó: 09 mẫu sò lông, 06 mẫu sò điệp) kiểm tra hàm lượng Cadimi, kết quả không đạt hàm lượng Cadimi theo quy định của EU; thực hiện chương trình giám sát chất lượng sau thu hoạch lấy 272 mẫu sản phẩm nông sản, thủy sản giám sát ATTP, kết quả có 07 mẫu không đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 2,57%.

Bên cạnh đó, Chi cục thực hiện hỗ trợ 19 cơ sở, đạt 126,67% kế hoạch năm, trong đó có 11 cơ sở làm quen áp dụng Chương trình quản lý chất lượng và 08 cơ sở chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến HACCP; hỗ trợ xây dựng 03 chuỗi, đạt 150% kế hoạch, bao gồm: (1) Chuỗi cung ứng chả cá an toàn; (2) Chuỗi cung ứng nông sản an toàn; (3) Mô hình thí điểm liên kết sản xuất và tiêu thụ thủy sản khô theo chuỗi giá trị trên địa bàn thị xã La Gi, với sản lượng sản phẩm an toàn được kiểm soát khoảng: 250 tấn sản phẩm thủy sản và 50 ngàn lít nước trái cây lên men…

Đặc biệt, Chi cục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Hiện Chi cục có 04/07 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần và 03/07 TTHC toàn trình; 07/07 TTHC cung cấp dịch vụ bưu chính công ích. Trong năm, Chi cục đã tiếp nhận 249 hồ sơ TTHC, giải quyết đúng và sớm hạn 245 hồ sơ, 04 hồ sơ đang trong quá trình giải quyết. Không có hồ sơ nào trễ hẹn phải xin lỗi tổ chức, người dân.

Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ “Chung sức, chung lòng xây dựng NTM”, Chi cục tham mưu Sở NN&PTNT công nhận tiêu chí 17.10 xã NTM cho các xã Phan Hòa, Phan Hiệp, Hòa Thắng, Sông Lũy, Bình An, Phan Thanh, Hồng Phong, Phan Rí Thành, Bình Tân, Hồng Thái, Hải Ninh – Huyện Bắc Bình; xã Đa Mi – Huyện Hàm Thuận Bắc; xã Phú Lạc – Huyện Tuy Phong; tiêu chí 18.4, 18.5 và 18.6 xã NTM nâng cao cho 3 xã Đông Hà, Mê Pu, Trà Tân – Huyện Đức Linh. Đang phối hợp Sở Y tế thẩm định tiêu chí 17.10 xã NTM Tân Lập tiêu chí 18.4, 18.5 xã NTM nâng cao 3 xã Hàm Cường, Đức Hạnh, Tân Hà. Tiếp tục đôn đốc 1 xã thực hiện tiêu chí 17.10 xã NTM (xã Măng Tố - Huyện Tánh Linh), và 2 xã NTM nâng cao (tiêu chí 18.4, 18.5, 18.6 xã Hàm Liêm – Hàm Thuận Bắc và tiêu chí 18.6 xã Đức Hạnh - Đức Linh).

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản sẽ tiếp tục lồng ghép các hoạt động chuyên môn với công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến quy định về ATTP bằng nhiều hình thức; xây dựng kế hoạch để kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chất lượng nông sản, thủy sản; tăng cường thẩm định điều kiện ATTP tại cơ sở nông, thủy sản; xây dựng và hướng dẫn áp dụng Chương trình quản lý chất lượng theo HACCP, VietGAP; xây dựng mô hình chuỗi sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản an toàn;…

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khác như: bồi dưỡng đào tạo đội ngũ công chức, viên chức; cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; chung sức, chung lòng xây dựng NTM; hỗ trợ xã phường triển khai ký cam kết và kiểm tra sau cam kết,…

Nguồn:  Vietnam Business Forum