Để nắm bắt cơ hội, khơi thông nguồn lực phát triển sau khi Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, cả hệ thống chính trị trên địa bàn sẽ vào cuộc mạnh mẽ, hành động quyết liệt, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó đưa Thừa Thiên Huế bứt phá mạnh mẽ. Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chia sẻ với Vietnam Business Forum về nội dung này.
Ông có thể cho biết những thành tựu phát triển kinh tế và thu hút đầu tư của Thừa Thiên Huế năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024?
Năm 2023, với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân, Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả khả quan với 13/14 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể như: Tăng trưởng GRDP ước đạt 7,03%, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành cả nước và 09/14 tỉnh, thành trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; GRDP ước đạt 73.230 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP/người ước đạt 62,6 triệu đồng (2.665 USD/người), tăng 9,5% so với cùng kỳ. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; thu ngân sách ước đạt 11.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.200 triệu USD, tăng 6,85% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31.000 tỷ đồng, tăng 12%; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 92,3% kế hoạch, xếp trong nhóm cao của cả nước.
Tính đến tháng 12/2023, tỉnh đã cấp mới 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 9.374 tỷ đồng (gồm 08 dự án FDI với tổng vốn 134,8 triệu USD). Cụ thể, tại địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp cấp mới 11 dự án đầu tư (vốn đăng ký 4.084 tỷ đồng); ngoài địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp cấp 14 dự án (vốn đăng ký 5.289 tỷ đồng). Ngoài ra, Thừa Thiên Huế đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 6.246 tỷ đồng; nổi bật là một số dự án lớn như: Bệnh viện Quốc tế Huế tại Khu E - Đô thị mới An Vân Dương; Khu đô thị sinh thái tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy,...
Bước sang năm 2024, Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ và các Thông báo kết luận của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đề án, quy hoạch quan trọng, trọng tâm là Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch; phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường; tiếp tục hỗ trợ việc mở các tuyến hàng container đi đến cảng Chân Mây;... Tỉnh cũng huy động nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị. Triển khai các giải pháp cụ thể để khắc phục các tồn tại, hạn chế và thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng DN.
Với quyết tâm, nỗ lực cao nhất đang lan tỏa trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN cùng người dân trên địa bàn, tỉnh sẽ thực hiện tốt mục tiêu đề ra năm 2024, tạo đà cho cả giai đoạn tăng trưởng bứt phá.
Thừa Thiên Huế đang trở thành điểm sáng về công tác cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị - điều hành địa phương, đặc biệt Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 02 năm gần đây đều nằm trong Top 10 cả nước. Vậy tỉnh đang duy trì, lan tỏa kết quả đạt được ra sao, thưa ông?
Những năm gần đây, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong chỉ đạo điều hành, đối thoại, ban hành chính sách,… Đáng chú ý, công tác nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được chú trọng, tăng cường, thể hiện qua thành quả 02 năm liên tục Thừa Thiên Huế luôn nằm trong Top 10 dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI. Riêng năm 2022, Chỉ số PCI xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố với Chỉ số Tính minh bạch xếp thứ 02 cả nước; Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự xếp thứ 04 cả nước,...
Để lan tỏa kết quả đạt được, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 19/06/2023 về việc nâng hạng Chỉ số PCI năm 2023 và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban ngành, địa phương. Tỉnh cũng tập trung xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý, điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cấp chính quyền; khai thác trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC); ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ DN, tháo gỡ các rào cản trong sản xuất kinh doanh. Tỉnh còn thành lập 04 tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công.
Xác định con người là trung tâm, chủ thể trong mọi hành động, tỉnh tiếp tục có những giải pháp chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa từ tư duy quản lý sang phục vụ, coi DN là đối tác và khách hàng. Sự hài lòng của DN thực sự trở thành thước đo chuẩn mực đối với chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền; ưu tiên giải quyết các công việc liên quan đến DN. Thường xuyên thực hiện các công tác đối thoại, tiếp xúc DN hàng tuần thông qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến nhằm kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN,...
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An và dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 25/3/2023
Ông có thể cho biết Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mở ra tầm nhìn, cơ hội phát triển mới nào và cam kết của tỉnh về thu hút đầu tư, phát triển DN hiện nay?
Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có tầm quan trọng đặc biệt. Sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ tạo ra khung pháp lý cao nhất, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; là cơ sở để hoạch định chiến lược, tạo không gian phát triển mới; từng bước giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản,… Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Quy hoạch đã xác định tầm nhìn: (i) Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; (ii) Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao;... (iii) Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước;...
Sau khi được phê duyệt, UBND tỉnh sẽ tập trung xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch. Tỉnh sẽ tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, phát triển DN. Xây dựng, triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh tạo tính sẵn sàng cho việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, bảo đảm triển khai được ngay khi có nhà đầu tư. Đẩy mạnh cải cách TTHC, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng,...; duy trì và nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, DTI. Thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; tập trung các giải pháp hỗ trợ DN trong tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, tiếp cận nguồn tín dụng, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ và xây dựng thương hiệu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI