HẬU GIANG

Hoạt động khoa học và công nghệ: Bám sát thực tiễn

09:20:37 | 18/3/2024

Xác định thành quả của khoa học và công nghệ (KH&CN) phải hướng tới con người, phục vụ con người, hoạt động KH&CN của tỉnh Hậu Giang đã chú trọng đến các đề tài, dự án có tính thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS.Nguyễn Huỳnh Phước - Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN tỉnh Hậu Giang xung quanh nội dung này.

Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật mà ngành KH&CN tỉnh đã đạt được trong những năm qua?

Những năm qua, thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh.

Qua 20 năm triển khai thực hiện, tỉnh đã triển khai thực hiện 249 đề tài, dự án KH&CN (cấp tỉnh có 237 đề tài, dự án; cấp quốc gia có 12 đề tài, dự án). Các đề tài, dự án được triển khai đều ở các lĩnh vực như khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược, khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó, có đến 60% đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 24% đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 12% đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ; 4% đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học y dược. Đến nay, có 215 đề tài, dự án hoàn thành nghiên cứu, được nghiệm thu. Sở KH&CN đã tổ chức chuyển giao kết quả nghiên cứu 212 đề tài, dự án về các sở, ban ngành tỉnh có liên quan để triển khai ứng dụng vào thực tế, 03 đề tài, dự án còn lại đang hoàn thiện sản phẩm để chuyển giao.

Tỉnh đã xác định 05 sản phẩm chủ lực hiện nay là: Lúa, mít, chanh không hạt, lươn đồng và cá thát lát Hậu Giang. Trên lúa, đã triển khai đồng bộ các nghiên cứu từ chọn tạo giống lúa mới đến việc xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng như mô hình canh tác cải tiến, tiết kiệm nước, ngập khô xen kẽ, năm giảm một phải,… từ đó góp phần nâng cao năng suất lúa ở tỉnh. Cụ thể, năm 2006 năng suất đạt từ 4,68 tấn/ha, đến năm 2022 đã tăng lên 6,67 tấn/ha. Trên mít Hậu Giang, đã xây dựng được mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, triển khai các nghiên cứu để đa dạng hóa các sản phẩm từ mít, nghiên cứu phòng trừ bệnh trên cây và trái cũng như xây dựng, phát triển thương hiệu Mít Hậu Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Sản phẩm cá thát lát đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận và đang phát triển ở tỉnh, diện tích nuôi ngày càng tăng, năm 2006 là 61ha, đến năm 2022 đã tăng lên 81,85ha.

Tỉnh đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp KH&CN bằng nhiều hình thức khác nhau, trên Bản tin KH&CN, website Sở KH&CN, thông báo bằng văn bản đến các doanh nghiệp để tiếp nhận nhiệm vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN,… Kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình do Bộ KH&CN hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, từng bước hình thành doanh nghiệp KH&CN.


Đoàn công tác của Sở Khoa học  và Công nghệ tỉnh Hậu Giang do ông Nguyễn Huỳnh Phước, Phó Giám đốc phụ trách làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh

Đối với doanh nghiệp, ngành KH&CN Hậu Giang đã đồng hành ra sao, thưa ông?

Ngành KH&CN luôn đồng hành với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình, dự án như Chương trình “Hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang”; Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”,…

Qua thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017 - 2020, Sở KH&CN tỉnh đã hỗ trợ hơn 10 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như: Chỉ dẫn địa lý “Khóm Cầu đúc Hậu Giang”; 02 nhãn hiệu chứng nhận: Cá thát lát Hậu Giang, Gà tàu vàng Hậu Giang; 07 nhãn hiệu tập thể: Mãng cầu Hậu Giang, quýt đường Long Trị, xoài cát Hậu Giang, chanh không hạt Hậu Giang, cam xoàn Phụng Hiệp, cá rô Hậu Giang và lúa Hậu Giang 2. Toàn tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận 735 đơn đăng ký và cấp 392 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (gồm: Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và các loại nhãn hiệu) cho các chủ thể trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” đã hỗ trợ cho 16 lượt công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia Dự án (áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như: ISO 9001, FSSC 22000, ISO 50001, HACCP, VietGAP,...); tổng kinh phí hỗ trợ cho các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Dự án là: 569.706.300 đồng.

Ngoài ra, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường các biện pháp kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ đối với các sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực, sản phẩm dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, Sở KH&CN cũng đã rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính (TTHC) nằm trong danh mục TTHC được Bộ KH&CN công bố, nhằm loại bỏ những TTHC không còn phù hợp, góp phần tích cực trong việc cải cách TTHC, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo quy định của Chính phủ; từng bước tạo được lòng tin và sự hài lòng của doanh nghiệp khi đến cơ quan hành chính nhà nước.

Với những kết quả đã đạt được, ngành KH&CN Hậu Giang cần làm gì trong giai đoạn tiếp theo, thưa ông?

Với vai trò là then chốt, là động lực để thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh, ngành KH&CN tiếp tục thực hiện mục tiêu “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần phát triển KT - XH của tỉnh, tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và năng lực cạnh tranh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống, đồng bộ các khâu sản xuất trong chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh.”

Với định hướng trên, ngành xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện như sau:

1. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa TTHC; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Hậu Giang.

2. Phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đào tạo đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển khu công nghệ số. Tăng cường liên kết, phối hợp giữa khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với khu công nghệ số và các tổ chức KH&CN.

3. Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác giữa tỉnh với các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước.

4. Tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mở rộng, nâng cao chất lượng và tăng cường truyền thông, khuyến khích đầu tư xã hội cho các cuộc thi, sân chơi về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho trẻ em, thanh thiếu niên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Công (Vietnam Business Forum)