Thời gian qua, ngành Ngân hàng Hậu Giang đã luôn nỗ lực đồng hành và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn để doanh nghiệp (DN), người dân đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Hậu Giang.
Ông Hồ La Thành (thứ 5 từ trái sang), Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Hậu Giang và các đại biểu cắt băng khai trương hoạt động Agribank Phụng Hiệp, tháng 9/2023
Một vài chia sẻ của ông về những kết quả đạt được của ngành Ngân hàng Hậu Giang năm 2023?
Năm 2023, ngành Ngân hàng Hậu Giang đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14% so với năm 2022 và kết quả đã đạt 100% kế hoạch đề ra. Nổi bật ở một số mặt:
Hệ thống ngân hàng đã thành công trong việc giảm mặt bằng lãi suất hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Trên địa bàn tỉnh, lãi suất huy động không kỳ hạn đến dưới 01 tháng mức 0,1 - 0,2%/năm; từ 01 - 06 tháng mức 3,6 - 3,9%/năm; từ 06 - 12 tháng mức 4,8 - 5,1%/năm; từ 12 tháng trở lên mức 5,3 - 5,8%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên 4,0%/năm; các lĩnh vực khác từ 8 - 8,5%/năm, giảm 1,5 - 2% so với đầu năm 2023.
Mạng lưới hoạt động được điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng với 17 tổ chức tín dụng (TCTD). Ngành đã tập trung hiệu quả nguồn vốn tại chỗ để đáp ứng nhu cầu vốn, đồng thời tập trung quản lý chặt chẽ hoạt động huy động vốn tại các TCTD để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng vốn huy động toàn địa bàn 22.726 tỷ đồng, tăng 13,93% so với cuối năm 2022. Vốn huy động đáp ứng 56,80% cho hoạt động tín dụng. Huy động đối với kỳ hạn dưới 12 tháng đạt 12.067 tỷ đồng (53,10% vốn huy động), kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đạt 10.659 tỷ đồng (46,90% tổng huy động). Nguồn vốn huy động từ dân cư là nền tảng tạo sự ổn định trong nguồn vốn hoạt động của các TCTD.
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chủ động chỉ đạo các TCTD tích cực phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu. Tăng cường thanh tra, giám sát các TCTD trong việc thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, đồng thời chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét miễn, giảm lãi suất hợp lý. . Kết quả, nợ quá hạn đến cuối tháng 12/2023 là 857 tỷ đồng, chiếm 2,14%/tổng dư nợ; nợ xấu là 488 tỷ đồng, chiếm 1,22%/tổng dư nợ; nợ cần chú ý 369 tỷ đồng, chiếm 43,06%/tổng nợ quá hạn.
Ngoài ra, hỗ trợ hiệu quả cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế; khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ DN vừa và nhỏ, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Lĩnh vực giao thông, thương mại cũng được đầu tư phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngành đã nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số ra sao, thưa ông?
Thời gian qua, ngành Ngân hàng tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình hoạt động; chú trọng cải cách hành chính, tăng cường phối hợp giữa các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông, rút ngắn thời gian giao dịch và đa dạng hình thức tiếp nhận hồ sơ, thủ tục.
Chi nhánh tăng cường chỉ đạo các TCTD triển khai tích cực Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo Kế hoạch đã phê duyệt; đẩy mạnh chuyển đổi số; thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro trong hoạt động thanh toán. Trong kỳ báo cáo, hoạt động thanh toán hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và bù trừ điện tử được vận hành ổn định; thanh khoản của các ngân hàng thành viên đảm bảo, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán; giao dịch của khách hàng.
Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn có 91 máy ATM, trong đó có 12 máy CDM đang hoạt động. Các NHTM đã phát hành 455.234 thẻ, trong đó có 98.682 thẻ quốc tế, 307.852 thẻ nội địa, 19.468 thẻ tín dụng, 28.464 thẻ hưởng lương từ ngân sách nhà nước, 768 thẻ trả trước và thẻ khác. Số máy POS được lắp đặt là 467 máy, số lượng giao dịch qua POS đạt trên 576 nghìn giao dịch với giá trị giao dịch là 1.902 tỷ đồng.
BIDV ký kết hợp tác với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hậu Giang
Ngành đã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nào nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh?
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Thông qua các buổi Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp hay tiếp xúc trực tiếp, ngành đã nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đối với các doanh nghiệp có nợ xấu, tích cực đôn đốc thực hiện công tác thu hồi nợ nhằm giảm thiểu nợ quá hạn, hạn chế nợ quá hạn phát sinh, tìm ra giải pháp thích hợp đối với từng doanh nghiệp. Các TCTD tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn tạm thời, có phương án khả thi được tiếp cận vốn vay để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời gian tới, ngành sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, các chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; bám sát các nhiệm vụ trọng tâm trong năm và các chủ trương, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia…; duy trì hoạt động Tổ công tác địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong tổ để thông tin, tuyên truyền kịp thời những chủ trương, chính sách; nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng của người dân, DN trên địa bàn.
Trân trọng cảm ơn ông
Nguồn: Vietnam Business Forum