Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu ở mức cao; hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp Việt Nam. Trước tình hình này, tỉnh Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển.
Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (GRDP) tăng 8,05%, cao hơn so với mức tăng trưởng năm 2022 (tăng 2,54%) xếp thứ 15 cả nước, cao nhất khu vực Bắc Trung bộ. Trong đó, quý I tăng 4,11%; Quý II tăng 7,33%; quý III tăng 10,11%; quý IV ước tăng 9,76%; kinh tế tăng trưởng dần qua các quý thể hiện xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế.
Trong tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2023, khu vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,71%, đóng góp 4,62%; khu vực Công nghiệp, xây dựng tăng 11,43%, đóng góp 59,14 %; khu vực Dịch vụ tăng 6,5% đóng góp 27,81%; thuế sản phẩm trừ trở cấp sản phẩm tăng 6,66%, đóng góp 8,43%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đà tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp được mùa; vụ Xuân đạt năng suất, sản lượng cao nhất từ trước tới nay; giá bán cao hơn các năm trước; chăn nuôi duy trì ổn định, tổng đàn và sản lượng thịt xuất chuồng tăng nhẹ; Sản xuất lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định. Năm 2023, ngành nông nghiệp tăng 2,33%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn tỉnh; ngành lâm nghiệp tăng 5,31% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,07 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.
Lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, ngành công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng khi đạt mức tăng trưởng 10%, đóng góp 3,63 điểm % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn tỉnh. Trong đó, đầu tàu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,14%, đóng góp 2,54 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 16,62%, đóng góp 1,67 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn tỉnh, đây là mức tăng trưởng cao nhất của ngành này kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Nguyên nhân hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án lớn như: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, đường Cao tốc Bắc -Nam; nhà máy sản xuất Pin Lithium...
Lĩnh vực dịch vụ năm 2023 nhìn chung đã ổn định trở lại. Do các hoạt động tiêu dùng cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn tỉnh như sau: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 7,63% so với năm trước, đóng góp 0,53 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn tỉnh; ngành vận tải kho bãi tăng 13,92%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,09%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,14%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm.
Về cơ cấu kinh tế của Hà Tĩnh năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 14,71%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,78% (trong đó, ngành Công nghiệp chiếm 30,18%; ngành xây dựng chiếm 9,60%); khu vực Dịch vụ chiếm 35,58%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,93% (năm 2022 cơ cấu các khu vực tương ứng: 15,27%; 39,66%; 35,05%; 10,02%).
Hoạt động sản xuất tại nhà máy Vinfast Hà Tĩnh
Hoạt động sản xuất, kinh doanh chuyển biến tích cực
Năm 2023 tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh được đánh giá có chuyển biến tích cực hơn trước. Tuy nhiên bên cạnh những yếu tố thuận lợi, thì hiện nay nhiều doanh nghiệp đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Theo các doanh nghiệp, khó khăn nhất hiện nay vẫn là nhu cầu thị trường sụt giảm và chi phí sản xuất cao. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng và rút lui khỏi thị trường tăng 21,01% so với năm trước.
Tính từ đầu năm đến ngày 21/12/2023, toàn tỉnh thành lập mới 1.179 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc (ĐVTT), giảm 14,87% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng vốn đăng ký đạt 5.580 tỷ đồng, giảm 44,74%, vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt 4,73 tỷ đồng, giảm 35,08% so cùng kỳ năm trước.Trong năm có 370 doanh nghiệp, ĐVTT hoạt động trở lại (giảm 3,39%);
Bên cạnh các Doanh nghiệp thành lập mới, trong năm qua có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng và giải thể, cụ thể: có 569 doanh nghiệp, ĐVTT tạm ngừng hoạt động (tăng 19,79%); 243 doanh nghiệp, ĐVTT giải thể (tăng 23,98%); tỷ lệ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế kê khai phát sinh thuế đạt trên 41% (năm 2022 là 47%).
Hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ. Khi có thêm những giải pháp thúc đẩy đầu ra thì doanh nghiệp mới cải thiện được khả năng trả nợ, tăng khả năng hấp thụ vốn.
Thành phố Hà Tĩnh
2024 - năm bứt phá
Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên việc thực hiện nhiệm vụtrong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động, diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột tại Ukraine, Trung Đông có thể còn kéo dài; kinh tế trong nước nước dự báo còn chịu sức ép lạm phát, tỷ giá; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường lao động việc làm dự báo còn gặp nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của ngành nông nghiệp.
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra, được biết, tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm: Tạo mọi điều kiện để Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II vận hành thử vào cuối năm; nhà máy Pin Lithium hoàn thành và đi vào sản xuất; các dự án đầu tư hạ tầng khu/cụm công nghiệp được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ thủ tục; tích cực thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và ngành công nghiệp sau thép, khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu.
Hà Tĩnh cũng chủ động bám sát diễn biến thời tiết, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra dịch tả lợn châu Phi, dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu bò; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND; phát huy hiệu quả phong trào tập trung, tích tụ ruộng đất theo Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tập trung triển khai đề án, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhất là chuỗi liên kết sản xuất gắn với Tập đoàn Quế Lâm.
Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách ngay từ đầu năm; tăng cường công tác hậu kiểm, chống thất thu, thu hồi nợ thuế. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh khung cơ chế chính sách giai đoạn 2021-2025. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các dự án ODA, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các địa phương, lĩnh vực.
Tập trung nguồn lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, nhân rộng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh; chú trọng hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển tài sản trí tuệ; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa.
Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trước mắt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Đậu Viết Tâm (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI