Theo dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021 - 2025”, từ nay đến năm 2023 tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo 100% số xã đạt chuẩn NTM. Đối với 10 xã chưa đạt chuẩn thuộc các huyện Hương Khê (8 xã), Kỳ Anh (2 xã), ưu tiên bố trí nguồn lực.
Tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2024 có tối thiểu 91 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó tập trung thực hiện một số nội dung, tiêu chí khó của nhóm xã này, như: mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, mô hình áp dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất gắn với an toàn thực phẩm; có sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên; nâng thu nhập bình quân đầu người lên tối thiểu gấp 1,2 lần.
Trước năm 2025 có ít nhất 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chú trọng vào các nội dung, tiêu chí có yêu cầu cao như: mỗi xã có tối thiểu 2 HTX kiểu mới liên kết, hoạt động có hiệu quả; có sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao trở lên; nâng thu nhập bình quân đầu người lên tối thiểu gấp 1,5 lần; không còn hộ nghèo. Đối với xã đã đạt chuẩn, tiếp tục củng cố, hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu bền vững, như môi trường, Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, thu nhập; xây dựng các giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch thường xuyên, an toàn từ hệ thống cấp nước tập trung.
Phấn đấu 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn vào năm 2024. Trước mắt, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận huyện Vũ Quang đạt chuẩn NTM; các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Hương Sơn đặt mục tiêu đạt chuẩn trong năm 2021; huyện Kỳ Anh năm 2023; huyện Hương Khê năm 2024. Các huyện như Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao sẽ chú trọng những tiêu chí khó như: số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; hệ thống giao thông đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng và giữa các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với quá trình đô thị hóa; thu gom, phân loại rác tại nguồn, xử lý nước thải sinh hoạt…
Theo ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh cho hay, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn vẫn sẽ là nội dung cốt lõi trong Đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM. Theo đó, sắp tới Hà Tĩnh sẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào chiều sâu, phát huy lợi thế các sản phẩm chủ lực theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó lấy doanh nghiệp, HTX làm hạt nhân. Phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, sản phẩm đặc sản gắn với Chương trình OCOP; khuyến khích, tạo điều kiện để du nhập các nghề tiểu thủ công nghiệp mới gắn với phân công lại lao động địa bàn nông thôn....Bên cạnh đó, các sở ngành, đơn vị cũng phải ưu tiên con người, nguồn lực động viên, hun đúc ý chí, niềm tin xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM từ đầu năm cho các địa phương, nhất là các huyện, xã miền núi, vùng sâu vùng xa.
Ngọc Đan (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI