Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân, nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 tiếp tục phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Nông lâm ngư nghiệp: 26,9%; công nghiệp - xây dựng: 36,03%, thương mại - dịch vụ: 36,98%.
Nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo
Nhờ gắn tái cấu trúc ngành nông nghiệp với công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Có thể nói, đây chính là một trong những cách làm đáng học tập của địa phương này. Với điều kiện đặc thù, sản xuất nông nghiệp luôn được huyện coi là mặt trận hàng đầu và là cốt lõi trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Bởi vậy, trong những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã mạnh dạn chuyển đổi tái cấu trúc trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản... Nhờ đó, không chỉ vươn lên dẫn đầu tỉnh về diện tích nuôi tôm thâm canh mà Thạch Hà còn có số người thu tiền tỷ từ nuôi tôm trên cát nhiều nhất. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2014, toàn huyện có 100ha tôm nuôi trên cát với hàng trăm hộ tham gia, sản lượng dự kiến đạt 800 tấn, ước thu về 100-120 tỷ đồng. Các điểm nuôi tôm thâm canh tập trung ở các xã Thạch Trị, Thạch Bàn, Thạch Khê, Thạch Long…Các hướng đi đã mang lại hiệu quả, từ việc hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế trên diện tích đất hoang hóa, chuyển đổi các loại cây trồng thu nhập thấp sang sản xuất rau, củ, quả hàng hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (cơ cấu 100% lúa xuân muộn) và liên kết sản xuất với doanh nghiệp, tận dụng lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi...
Để tạo động lực, sức sống mới cho việc thực hiện đề án sản xuất ở mỗi địa phương, Thạch Hà gắn tái cấu trúc ngành nông nghiệp với quá trình thực hiện chương trình XDNTM. Đó là xây dựng định hướng và hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, triển khai chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của huyện và định hướng chiến lược theo các đề án liên kết vùng sản xuất; xúc tiến việc liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi khép kín… “Từ thành công bước đầu, Thạch Hà đang từng bước chỉ đạo xây dựng điểm và nhân rộng những mô hình điển hình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện, phấn đấu cuối năm 2014 có thêm 3 xã về đích NTM. Kết quả thực hiện Kế hoạch sản xuất nông nghiệp 2014 đã đạt kết quả hết sức khả quan. Tổng diện tích lúa cả năm 15.309,48 ha (diện tích lúa hàng hóa, chất lượng cao chiếm 42,5% tổng diện tích =6.500 ha); năng suất bình quân 49,6 tạ/ha, tăng 0,86 tạ/ha so năm 2013; sản lượng 75.939,8 tấn, bằng 102,85% kế hoạch, tăng 5.493 tấn so với năm 2013.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ tăng trưởng cao
Trong những năm qua giá trị công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng cao, năm 2014 ước đạt 1.260 tỷ đồng, bằng 105%. Đầu tư nâng cấp và xây dựng mới 28km đường điện, 26 trạm biến áp; chuyển đổi mô hình quản lý điện sang ngành điện quản lý 30/31 xã, thị trấn. Thương mại nông thôn phát triển mạnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về trao đổi hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội ước đạt 326 tỷ đồng, bằng 108%. Thực hiện nghiêm túc kiểm soát thị trường, thương mại trên địa bàn; triển khai đăng ký kinh doanh cho 2000 hộ/3.672 hộ cá thể, chiếm 54,6% tổng số hộ. Rà soát lại tất cả các chợ và triển khai thực hiện phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ sang doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý tại 6 chợ, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Trong thời gian tới cùng những tiềm năng và cơ hội mới, Thạch Hà đang tiếp tục huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp. Để làm việc đó, Thạch Hà đã đưa ra nhiều giải pháp; trong đó, chú trọng xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại; tập trung xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, các cụm CN-TTCN làng nghề; từng bước ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào SXKD nhằm khai thác những lợi thế tiềm năng vùng, tạo ưu thế về chăn nuôi trồng trọt, phát triển thuỷ sản... Đó là hướng đi sớm đưa Thạch Hà phát triển nhanh mạnh, trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm bền vững của tỉnh trong vài năm tới.