HÀ NỘI

Tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh

10:44:37 | 26/3/2024

Đó là quyết tâm của Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội (Cục QLTT Hà Nội) khi thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm; đẩy mạnh đấu tranh chống gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng,… Thông qua đó, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của Thủ đô.


Cục QLTT Hà Nội luôn nâng cao hiệu quả trong phối hợp, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Năm 2023, Cục QLTT Hà Nội đã tập trung triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND TP.Hà Nội và Tổng cục QLTT trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Kết quả tính đến ngày 30/11/2023, Cục đã thực hiện 5.229 vụ thanh tra, kiểm tra, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2022; xử lý 4.897 vụ; số tiền xử lý trên 130,767 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu trên 63,741 tỷ đồng; tiêu hủy, khắc phục hậu quả hàng hóa trị giá 46,621 tỷ đồng.

Đặc biệt, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP.Hà Nội, Cục đã tham mưu và triển khai các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả QLTT đợt cao điểm cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn Thủ đô. Cục đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-QLTTHN ngày 15/11/2023 về việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Dương lịch, trước, trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn thành phố.

Trong đó, yêu cầu các Phòng, Đội QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dự báo tăng cao nhu cầu sử dụng, mua sắm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt chú trọng các nhóm, mặt hàng ngành Công Thương quản lý.

Cùng với kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm, Cục cũng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật trong hoạt động thương mại giúp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thương mại – dịch vụ trên địa bàn chủ động nắm bắt, hiểu rõ, cập nhật và chấp hành. Tuyên truyền, vận động hưởng ứng và thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ngoài ra, kịp thời tham mưu thành lập 02 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trong thời gian 02 tháng (từ ngày 20/11/2023 đến 20/01/2024). Thành phần tham gia gồm các cơ quan chuyên môn của các sở, ngành gồm: Công an, Sở Y tế, Sở Công Thương và Cục QLTT.

Tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh

Nhằm góp phần cải thiện, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, lành mạnh, tuân thủ pháp luật, Cục chỉ đạo các Đội QLTT tiếp tục làm tốt công tác rà soát, kiểm tra, kiểm soát địa bàn, ngăn chặn các đối tượng kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi đầu cơ, găm hàng trục lợi bất hợp pháp.

Theo đó, căn cứ Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục QLTT về phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025, Cục đã chỉ đạo các Đội QLTT triển khai và thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm vững tình hình các cơ sở sản xuất, kinh doanh, diễn biến của thị trường hàng hóa. Chủ động rà soát, xây dựng, thường xuyên cập nhật số liệu thống kê quản lý địa bàn. Ban hành Kế hoạch số 05/KH-QLTTHN ngày 15/02/2023 về việc thực hiện công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng và gian lận thương mại, vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử năm 2023.

Chỉ đạo các Đội QLTT kiểm tra, xử lý vi phạm có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy trình; gắn trách nhiệm quản lý với người đứng đầu. Đặc biệt, Cục đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động và triển khai thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại nơi làm việc và Quy tắc ứng xử tại nơi công cộng của thành phố đến các chi bộ và toàn thể đảng viên, công chức, người lao động. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử trong thực hiện công vụ, từng bước xây dựng đội ngũ công chức, người lao động “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”.

Thái Dương (Vietnam Business Forum)