BẮC GIANG

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang: Nâng cao năng lực quản lý để phục vụ tốt hơn

15:09:01 | 16/4/2024

Bắc Giang xác định phát triển công nghiệp là “đầu tàu” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nên việc thu hút đầu tư, quản lý vận hành hiệu quả các khu công nghiệp (KCN) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ông Đào Xuân Cường - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, Ban đang cố gắng nâng cao năng lực tham mưu, chủ động nắm bắt, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; tích cực học tập kinh nghiệm triển khai đầu tư, xây dựng, quản lý các KCN và chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác thăm quan dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH JA Solar Việt Nam, tháng 01/2024

Sau 20 năm thành lập (tháng 12/2003 – 12/2023), các KCN Bắc Giang có sự thay đổi ra sao, thưa ông?

Từ xuất phát điểm thuần nông, tỉnh Bắc Giang bắt đầu phát triển các KCN vào năm 2003; đầu tiên là KCN Đình Trám, huyện Việt Yên (nay là thị xã Việt Yên) với quy mô 98ha. Sau 20 năm phát triển, tỉnh đã có 09 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô 2.200ha, trong đó đã thu hút lấp đầy bình quân 78% diện tích đất công nghiệp. Năm 2023, Bắc Giang thu hút đầu tư trên 3 tỷ USD, đứng thứ 4 toàn quốc; đưa toàn tỉnh có 487 dự án còn hiệu lực (373 dự án FDI và 114 dự án DDI) với tổng vốn đăng ký 9,91 tỷ USD và 18.199 tỷ đồng.

Riêng trong 02 tháng đầu năm 2024, các KCN thu hút mới 8 dự án FDI với số vốn đăng ký 89,53 triệu USD và 02 dự án đầu tư hạ tầng KCN với số vốn 3.072,7 tỷ đồng; điều chỉnh đăng ký đầu tư cho 41 dự án. Luỹ kế đến nay, tổng số dự án đầu tư tại các KCN là 496; vốn thực hiện đạt 7.250 triệu USD và 11.818 tỷ đồng.

Trong các KCN có 424 doanh nghiệp đang sản xuất - kinh doanh, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2023, giá trị sản xuất các KCN đạt 453.000 tỷ đồng, tăng 54,4% so với năm 2022, chiếm 84% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu đạt 22,05 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2022 và sử dụng trên 190.000 lao động.

Có được kết quả trên là do sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung phát triển công nghiệp, quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các KCN, nâng cấp các tuyến đường gắn kết với các tỉnh, thành lân cận như Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương,… Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thúc đẩy phát triển các KCN. Tuy nhiên điều đó cũng phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết và đặt ra những yêu cầu mới trong việc thu hút đầu tư và quản lý, vận hành.


Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhà máy sản xuất chất bán dẫn Hana Micron Vina 2 tại Khu công nghiệp Vân Trung, tháng 12/2023

Để thúc đẩy phát triển các KCN, trong năm 2024, Ban tiếp tục “tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh,… trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đổi mới tư duy, quyết liệt thực hiện một cách thực chất” theo Chị thị số 26/CT-TU ngày 02/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra sao?

Năm 2024, Ban tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Ban sẽ nâng cao năng lực tham mưu; phản ứng nhanh nhạy, kịp thời với những vấn đề nảy sinh; tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Ban cũng chú trọng quán triệt phương châm hành động “3 dám” (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung); “3 hơn” (quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn); “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả) theo tinh thần Chỉ thị số 26/CT-TU ngày 02/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, thân thiện với nhà đầu tư, giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ; quan tâm đồng hành với nhà đầu tư.

Từng bước xây dựng hệ thống thông tin kết nối hai chiều với doanh nghiệp, nắm bắt những kiến nghị, phản ánh; kịp thời cung cấp thông tin hỗ trợ, chủ trương, chính sách đến doanh nghiệp, đồng thời lập danh sách dự án đầu tư trọng điểm trong KCN để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, nghiên cứu, tham mưu phát huy vai trò chủ đầu tư hạ tầng các KCN; làm tốt khâu thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư; xây dựng đề án huy động chủ đầu tư hạ tầng KCN vào giải quyết việc tiêu thoát nước và phòng cháy, chữa cháy ở KCN; phối hợp với các sở, ngành thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong các KCN.


Khu công nghiệp Hòa Phú

Ông có thể cho biết Bắc Giang đang chú trọng phát triển các KCN thế hệ mới theo mô hình sinh thái, xanh và đổi mới sáng tạo ra sao?

Hiện nay, Bắc Giang đang tập trung phát triển các KCN theo đa ngành, đa nghề; chú trọng các ngành nghề có công nghệ cao, tiên tiến, ít gây ô nhiễm môi trường và sử dụng tiết kiệm đất. Trong phê duyệt quy hoạch KCN chú trọng đến hệ thống cây xanh đảm bảo tối thiểu đạt tỷ lệ 12% diện tích KCN, hệ thống giao thông trục chính của KCN có mặt cắt rộng đảm bảo ít nhất 04 làn xe chạy, hệ thống điện cung cấp cho các nhà máy đi ngầm đảm bảo mỹ quan.

Việc phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh cũng hướng đến hệ sinh thái KCN - Đô thị - Dịch vụ liền kề, bám sát chủ trương chung là phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Loan (Vietnam Business Forum)