SƠN LA

Sơn La: Quyết liệt hành động, tăng tốc phát triển

09:44:36 | 7/6/2024

Năm 2024 là năm có tính chất quyết định để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), vì vậy ngay từ đầu năm tỉnh Sơn La đã tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có một số chia sẻ với phóng viên xung quanh những nỗ lực này.

Một vài chia sẻ của ông về những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La năm 2023? Những chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể năm 2024?

Năm 2023, trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Sơn La vẫn có 22/28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2023 ước đạt 34.506 tỷ đồng, tăng 0,75% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước ước đạt 4.250 tỷ đồng, bằng 100% dự toán Trung ương giao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao, phát huy lợi thế của tỉnh về phát triển cây ăn quả. Công nghiệp phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, dịch vụ, chú trọng phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh, phát triển dịch vụ du lịch.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh đã hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Sơn La, đoạn qua tỉnh Sơn La; xây dựng đề án xã hội hóa sân bay Nà Sản. Chất lượng và quy mô, diện mạo các đô thị từng bước thay đổi; bộ mặt nông thôn ngày một khang trang. Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hoạt động thương mại, du lịch có nhiều khởi sắc. Khách du lịch đến Sơn La đạt 4,5 triệu lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 4.700 tỷ đồng. Khu du lịch quốc gia Mộc Châu lần thứ 2 được vinh danh là “Điểm đến khu vực hàng đầu châu Á và thế giới”. Tỉnh đã tham gia các hội chợ quảng bá du lịch và tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút hàng trăm nghìn lượt nhân dân, du khách tham quan, trải nghiệm. Công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp triển khai quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử,... được quan tâm, đẩy mạnh.

Tỉnh đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, an ninh biên giới được giữ vững.

Bước sang năm 2024, tỉnh đề ra các chỉ tiêu: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng từ 7,5%; GRDP đầu người: 55,5 triệu đồng. Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng chiếm 26,5%; dịch vụ 41,7%, nông – lâm nghiệp – thủy sản 25,0%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 26.000 tỷ đồng. Giá trị hàng hoá tham gia xuất khẩu đạt 196,1 triệu USD, thu ngân sách trên địa bàn 4.450 tỷ đồng, tỷ lệ đô thị hoá 18%, tổng lượt khách du lịch 4.800 nghìn lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch 5.500 tỷ đồng,…

Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo theo các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đồng bộ với mục tiêu tổng quát: Đẩy mạnh cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu và thích ứng của các thành phần kinh tế; thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng đồng bộ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo tỉnh Sơn La

Nghị quyết số 08-NQ/TU và Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu xây dựng Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng cao nghệ cao (ƯDCNC) và trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc vào năm 2025. Sau hơn nửa nhiệm kỳ, ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật trong thực hiện 02 mục tiêu lớn này?

Sau hơn 04 năm triển khai 02 nghị quyết mang tính chiến lược đã có thêm nhiều kết quả tích cực, trên địa bàn tỉnh đã phát triển thêm nhiều vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến lớn (sữa, đường, chè, sắn, nước ép hoa quả,…). Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021 - 2023 tăng trung bình 9,9%/năm (vượt mục tiêu là 9,5% /năm). Năm 2023, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,0% (mục tiêu đến năm 2025 đạt 6.500 tỷ đồng); giá trị hàng nông sản chế biến tham gia xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2022 tăng bình quân 18,5%/năm (mục tiêu là tăng 12%/năm). Năm 2023, giá trị nông sản chế biến tham gia xuất khẩu đạt 159,33 triệu USD, tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2022; các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Cà phê, chè, tinh bột sắn, long nhãn, xoài, chanh leo,… (mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 166 triệu USD).

Để xây dựng Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ƯDCNC và trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc, Sơn La sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến nông sản nói riêng; tích cực tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi phát triển hạ tầng công nghiệp, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh về Quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; khuyến khích hướng dẫn các hộ dân, các hợp tác xã tham gia ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn.

Đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp, tập trung sắp xếp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tận dụng tối đa giá trị lợi thế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư các dự án vào các cụm công nghiệp làm đòn bẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản, phát triển thương mại điện tử theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt đang gợi mở khát vọng, động lực tăng trưởng mới cho tỉnh. Thời gian tới, Sơn La sẽ tập trung thu hút đầu tư ở những lĩnh vực thế mạnh nào để tạo sức bật mới, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, thưa ông?

Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023. Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ lãnh thổ tỉnh Sơn La với 12 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Sơn La và 11 huyện (Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Phù Yên và Bắc Yên).

Mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Sơn La trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh phát triển Khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam – Lào và vùng Trung du miền núi phía Bắc; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Kông, các nước láng giềng và ASEAN. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần phát triển vùng và đất nước.

Phát triển Sơn La tiếp tục trở thành tỉnh phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ƯDCNC; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp hướng xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thời gian tới, Sơn La sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tỉnh tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân để cán bộ, công chức, viên chức, các nhà tư vấn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn dân hiểu, nắm được các thông tin về Quy hoạch, cũng như hiểu được khát vọng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.

Hai là, các cấp, các ngành, các địa phương cần phối hợp tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan,

đơn vị, địa phương khẩn trương, nghiêm túc xác định các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của cơ quan, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện. Chủ động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, vừa bảo đảm Quy hoạch tỉnh được triển khai trong thực tế, vừa tận dụng tối đa nguồn lực trong quá trình thực hiện theo quy hoạch.

Ba là, khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng,… phù hợp với Quy hoạch tỉnh; chủ động nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển.

Bốn là, huy động mọi nguồn lực; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, tập trung vào các công trình có tính đột phá và sức lan tỏa lớn như: Đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La; đường cao tốc Mộc Châu - thành phố Sơn La; cảng hàng không Nà Sản, phát triển thành phố Sơn La theo định hướng đô thị loại I; Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu; huyện Mộc Châu trở thành thị xã;  huyện Quỳnh Nhai hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025, phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với công nghiệp chế biến; thực hiện tốt các chính sách xã hội hóa, đa dạng các hình thức đầu tư.

Năm là, tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); tạo thuận lợi trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch. 

Sáu là, tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ theo hướng hiện đại, đồng bộ; đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ, kết nối các chương trình, dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động hiệu quả.

Bảy là, thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm, ưu tiên hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế, đào tạo nghề cho thanh niên lập nghiệp, lao động thuộc các xã vùng khó khăn, bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Tám là, tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là các tài nguyên không tái tạo; đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Bình (Vietnam Business Forum)