Công tác thông tin đối ngoại của tỉnh Sơn La tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện trên mọi lĩnh vực, góp phần tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh con người, địa phương đến với bạn bè quốc tế nói riêng và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chiến – Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh.
Với vai trò là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý và tham mưu về hoạt động đối ngoại, ông có thể khái quát bức tranh đối ngoại hiện nay của tỉnh?
Những năm qua, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, tỉnh Sơn La từ chỗ chỉ có quan hệ hữu nghị và hợp tác với 01 tỉnh của nước bạn Lào thì đến nay đã có quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với 09/18 tỉnh, thành phố của Lào; có quan hệ hợp tác với 20 cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam; có 31 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) có hoạt động tài trợ cho tỉnh Sơn La. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận mới 38 chương trình, dự án, phi dự án, khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị cam kết tài trợ 18.046.751 USD. Các chương trình, dự án được thực hiện trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng, thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện các chương trình tăng cường sinh kế cho người dân.
Đến nay, Sơn La đã xuất khẩu và giới thiệu hơn 17 sản phẩm nông sản sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ. Trong năm 2023, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 186,6 triệu USD, trong đó giá trị nông sản tham gia xuất khẩu đạt 177,6 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Cà phê, chè, tinh bột sắn và các sản phẩm từ sắn khác, long nhãn, chuối, xoài, chanh leo,…
Quan hệ hợp tác giữa tỉnh Sơn La với các địa phương, các vùng và các đối tác từ các quốc gia trong và ngoài khu vực ngày càng được lãnh đạo tỉnh chú trọng, quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, khai thác tiềm năng thế mạnh góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La và tỉnh Hủa Phăn (Lào) ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024 - 2026
Trên cơ sở những thành tựu đạt được, ông cho biết đâu là những mục tiêu, lĩnh vực ưu tiên mà Sở Ngoại vụ tỉnh sẽ tập trung phát triển trong thời gian tới?
Trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại, Sở Ngoại vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, định hướng 05 nội dung tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đại hội XIII của Đảng, trong đó có Nghị quyết 34-NQ/TW ngày 09/01/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề đối ngoại và nội dung các Biên bản Thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, địa phương của Lào, các đề án phát triển quan hệ với các đối tác chủ chốt, quan trọng; góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của Trung ương và Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Sơn La.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh triển khai tiến trình hội nhập quốc tế gắn với triển khai hiệu quả đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng cường thu hút nguồn lực phục vụ phát triển bền vững.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, hiệu quả, thực chất theo các trọng tâm ưu tiên trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và Kế hoạch số 132-KH/TU ngày 11/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư.
Theo đó, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu phát triển của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động tham mưu, đề xuất và cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác và tận dụng hiệu quả cơ hội từ các khuôn khổ hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài; tích cực tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu để tạo không gian phát triển mới. Tăng cường, mở rộng hợp tác với các thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa; chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực lợi ích chiến lược như: Đầu tư phát triển hạ tầng, chất bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu,... Đẩy mạnh thu hút công nghệ tiên tiến, FDI chất lượng cao, ODA thế hệ mới và tài chính xanh.
Thứ tư, tăng cường quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Sơn La với các cơ quan, đơn vị của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan hữu quan khác. Phối hợp xây dựng, cập nhật định hướng chiến lược của địa phương, kịp thời tiếp cận các thông tin về cơ hội hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao,...
Thứ năm, đẩy mạnh công tác đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức về luật pháp quốc tế, kinh tế quốc tế cho đội ngũ làm công tác đối ngoại của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Đồng thời bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần thiết thực giữ vững môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Loan (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI